Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

ĐẤU TRANH ĐÒI QUYỀN LỢI HỢP PHÁP NHƯNG THIẾU ĐOÀN KẾT RẤT DỄ BỊ DỌA NẠT, DỤ DỖ!

Chắc anh chị em còn nhớ vụ việc tuyển dụng viên chức GV các cấp tại huyện Easup, tỉnh Đăk Lăk bắt đầu nóng MXH khoảng vào đầu tháng 6/2019 khi phòng Nội vụ huyện này từ chối nhận GV mầm non tốt nghiệp Hệ 9+3. Sau 3 bài phân tích của tôi họ đã áp dụng thông tư 3645/BGDĐT-GDCN của Bộ GD&ĐT tiếp nhận hồ sơ cho các GVMN hệ 9+3 như nói trên.
Đặng Phước

Nhưng sau đó, báo chí đăng Thông tư số 03/2019 - TT- BNV hướng dẫn xét tuyển đặc cách cho công chức, viên chức có thời gian công tác từ 5 năm trở lên.

Công văn hướng dẫn 1024 - SNV CCVC của Sở nội vụ Daklak đã triển khai thông tư 03/2019 TT BNV bắt đầu từ 01/7/2019 thực hiện.

Nhận được công văn 1024 - SNV CCVC của Sở nội vụ Daklak, một số giáo viên diện hợp đồng dài hạn trên 5 năm đến hỏi ông Nguyễn Thanh Tuấn - TP Nội vụ huyện Easup, Daklak xác định xem các giáo viên này có thuộc đối tượng viên chức được xét tuyển theo Thông tư 03/2019 thì ông trả lời rằng các giáo viên này thuộc diện "hợp đồng lao động, chưa phải là viên chức nên không thuộc diện xét tuyển theo thông tư 03/2019 BNV". Các cô còn cho biết  ông Tuấn còn dặn "không được chia sẻ thông tư 03/2019 TT BNV" (?)

Tuy nhiên, theo Luật viên chức số 58/2010/QH12 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định: "Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật".

Nhận thấy có điều khuất tất, các giáo viên ở Easup đã gọi điện nhờ tư vấn, tôi đã hướng dẫn nhờ Luật sư hỗ trợ pháp lý để kiện Phòng Nội vụ Easup.
Ngày 6/8/2019, một số giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học  đã gặp LS. Phú sau khi tư vấn, LS Phú bàn giao cho LS Kiệt hướng dẫn các giáo viên làm đơn khiếu nại để cho UBND huyện trả lời rồi căn cứ vào đó để khởi kiện hành chính. Nhưng đến khi nộp đơn chỉ có 2 người nộp, còn các GV khác do sợ bị đì nên không nộp cùng.
Đến gần ngày thi tuyển mà vẫn chưa nhận được công văn của UBND tỉnh và Sở Nội vụ Đăk Lăk, các giáo viên mầm non  đã nộp đơn gọi điện hỏi tôi rằng họ có nên tham gia thi tuyển không? Tôi bảo các em cứ thi bình thường.

Sáng ngày 21/8/2019, khi cô ấy chuẩn bị bước vào phòng thi vấn đáp, có một giám thị đến đưa tờ giấy A4 đề nghị viết giấy rút đơn khiếu nại, cô kể:
-Khi vào khu vực thi, họ yêu cầu tắt nguồn điện thoại, em chỉ lấy điện thoại ra soi gương để chải đầu trước khi vào thi cũng bị bảo vệ nhắc nhỡ, đòi đuổi ra khỏi khu vực thi làm em bị áp lực tâm lý. Lúc em chuẩn bị vào phòng thi, có một giám thị  đeo thẻ nhưng úp tên vào trong đến gặp rồi đưa cho em tờ giấy A4 và cây bút bảo em viết  giấy rút đơn khiếu nại  trước khi  vào thi, viết xong nộp cho ông Tuấn (TP. Nội vụ huyện) nhưng em không  biết ông Tuấn ở đâu cả rồi giám thị cầm giấy rút đơn đem qua cho ông Tuấn xong chỉ cho em vào phòng thi luôn”

Hôm qua, cô giáo viên mầm non  nói trên  đã thông  báo cho tôi “Em đã được trúng tuyển” thực lòng tôi mừng cho em, nhưng tôi có chút không hài lòng, tôi nói:
-Thầy không đồng ý cách giải quyết của em, vì thầy biết  họ chỉ thỏa hiệp riêng với em để em không kiện họ nhưng họ làm khó các bạn của em”

Em nói lời hối hận:
-Em xin lỗi thầy, có lẽ vì đúng lúc đó em không biết phải làm thế nào nữa thầy ạ. Họ rất đông mà em chỉ có một mình. Em nghĩ mà tự  bực bản thân,  giá như công văn của UBND tỉnh  về trước ngày 21/8/2019 thì em cương quyết không rút đơn! Tiếc là nó gửi về quá trễ!

Tôi an ủi:
-Thầy chỉ không đồng ý chứ không trách em được!

Em phân trần:
-Em cũng cố gắng nhiều lắm thầy ạ, nhưng đến ngày em nộp đơn xong các bạn của em đều quay lưng lại với em, không ai chịu nộp đơn nữa thầy ạ! Có điều em chờ mãi mà không thấy công văn trả lời của UBND tỉnh Đăk Lăk  nên cũng có phần hoang mang!

Qua câu chuyện trên, ta thấy:
1/ Phòng Nội vụ Easup, tỉnh Đăk Lăk  biết  việc họ làm là sai nên đã đối phó bằng cách gây áp lực với người khiếu nại sau đó thỏa hiệp ngầm để người khiếu nại rút đơn. Giám thị đeo bảng tên đáng lẽ phải quay tên ra ngoài sao lại úp tên vào? Chi tiết này cho thấy họ đã có sắp đặt trước!

2/ Những người có quyền lợi là các giáo viên thuộc diện hợp đồng có thời gian công tác từ 60 tháng trở lên muốn đòi quyền lợi nhưng hèn nhát, sợ bị làm khó nếu không thắng kiện nên không  có quyết tâm cao, vì thế không tạo được sức mạnh đoàn kết tập thể!

3/ Cô giáo mầm non nộp đơn kiện có đủ dũng khí, vượt qua sợ hãi, ban đầu quyết tâm đòi quyền lợi chung cho tất cả nhưng thiếu bản lãnh nên đã bị dọa nạt, dụ dỗ! Mặt khác, khí thấy các GV cùng cảnh ngộ quay lưng lại với mình thì hoang mang, lại được Trưởng phòng  Nội vụ huyện chỉ đạo giám thị đề nghị cô rút đơn (có lẽ có nói gì đó để thỏa hiệp - ĐP) thì nghĩ rằng “mình đấu tranh được chung nhưng có ai ủng hộ đâu” nên nản chí mà  chậc lưỡi nhắm mắt đưa chân “Vậy cũng được”. Tôi thực tình không trách em GVMN đã rút đơn vì trong cuộc đấu tranh, khi hô xung phong mà chỉ mỗi mình em tiến lên, còn tất cả thụt lùi thì hành động của em ta không thể trách được!

Chắc chắn trong tương lai, các huyện khác cũng có trường hợp tuyển dụng tương tự nên thầy khuyên các bạn nên bình tĩnh, phân tích đúng sai, thiệt hơn để đoàn kết nhất trí mới mong đạt được những quyền lợi tập thể chính đáng khi bị nhà cầm quyền các địa phương tước đoạt!

Xin hãy nhìn sang đặc khu Hong Kong để biết được tuổi trẻ của họ đã hành xử với nhà cầm quyền  như thế nào, đối xử với đồng đội như thế nào  trong các cuộc biểu tình đòi độc lạp dân chủ trong suốt gần 3 tháng qua để tự rút ra bài học kinh nghiệm cho chính bản thân mình!
Mời đọc báo đăng tại:
https://nghiepdoangiaochuc.org/2019/08/30/dau-tranh-doi-quyen-loi-hop-phap-nhung-thieu-doan-ket-rat-de-bi-mua-chuoc/
30/8/2019
Đặng Phước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét