Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

NÊN ỨNG XỬ NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI NGÀY 20/11

Thưa tất cả quí vị! Sắp đến ngày 20/11, cá nhân tôi xin có vài suy nghĩ về ngày mà ở VN dùng để “vinh danh nghề dạy học” gọi là "Ngày Nhà giáo VN"
Trước hết, Ngày 20/11 là “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo” được chính phủ VN "hô biến" thành “Ngày nhà giáo VN”
- Xét về lịch sử, năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (gọi tăt là FISE) đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học. Tại cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8năm 1957 ở Warszawa, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" (theo Wikpedia VN)
- Đến ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".

Về sự kiện này, thiển nghĩ, nên cứ gọi theo LHQ là ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”, học tập theo các nước tiên tiến chăm lo xây dựng môi trường làm việc, trọng dụng người có tâm, có tài vào dạy học sao cho ngành giáo dục ngày càng có uy tín với XH để trong lòng HS, phụ huynh luôn tôn trọng nhà giáo thì còn tốt hơn gấp vạn lần miệng thì nói "vinh danh" nhưng thực tế nói ra nghe nó phủ phàng chứ thân làm giáo viên ngày nay đi chỗ khác không dám xưng là thầy giáo vì sợ bị thiên hạ chửi! Thực tế là trong những buổi trà dư tửu hậu người ta còn dùng từ "các thầy" để bông đùa một cách chua cay đối với GV mà cứng họng không nói gì được

Thứ hai, hàng chục hoạt động thi đua, tri ân nhà giáo gây áp lực cho toàn XH “khổ ải trăm bề” chứ sướng ích gì?
- Đối với nhà trường và giáo viên, hàng năm sắp đến ngày 20/11 công đoàn ngành GD tổ chức các phong trào thi đua: Văn nghê, thể thao, hội giảng để "lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo VN" . Thôi thì các trường phải chạy theo thành tích để tạo "thương hiệu", nào thì là thuê người về dàn dựng chương trình văn nghệ, huấn luyện thể thao, thuê trang phục, đạo cụ ... tốn kém cả hàng chục triệu đồng. Còn nữa, đến ngày kỷ niệm, người ta còn bày vẽ tổ chức rình rang, tặng hoa tặng quà, liên hoan ăn uống ... chí ít chi phí cả dăm bảy chục triệu đồng cho mỗi trường! Trường chi tiêu tốn kém tiền của nhân dân, còn GV và HS thì đến khổ: Vừa dạy học, vừa tham gia phong trào nên cực chẳng đã phải tham gia chứ trong lòng chẳng hào hứng gì! Có nữ GV đang con mọn đi tập văn nghệ để con ở nhà khóc khản cả tiếng! Học sinh đang học cũng được điều đi tập văn nghệ, thể thao bỏ cả học thì liệu sự tham gia phong trào phỏng có ích hơn học tập để có kiến thức sau này đáp ứng được nhiệm vụ?
- Đối với phụ huynh và học sinh, sắp đến ngày 20/11 là phải lo làm sao để "cả năm có mỗi ngày" cũng phải có món quà để tri ân thầy cô .... Nhà khá giả chẳng nói làm gì, nhà khó khăn thấy con người ta có quà, con mình không có cũng áy náy! Vì thế, ngày này cũng là nỗi lo sợ của nhiều người đang có con đi học. Cho nên, từ một ngày được cho là tốt đẹp bỗng nhiên trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, liệu có nên chăng? Chưa kể đến mật độ xe cộ lưu thông vào ngày 20/11 tăng đột biến dẫn đến tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi!

Một lời khuyên chân thành dành riêng cho các cháu học sinh:
Nếu trong lòng các cháu thực sự kính trọng thầy cô thì không cần phải cứ đến ngày 20/11 mới thể hiện mà các cháu nên phải thể hiện mọi lúc mọi nơi đó là luôn chăm chỉ học tập, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ với bạn bè, vâng lời cha mẹ, kính trọng thầy cô giáo.... Biết làm điều hay, trọng lẽ phải, luôn trau dồi nhân cách và trên hết là yêu đồng bào, yêu tổ quốc Việt Nam, đó là những việc làm thiết thực nhất! 
Trong ngày 20/11 nếu có tưởng nhớ đến công lao dạy dỗ thì các cháu nên đi thăm những thầy cô giáo cũ với tình cảm trân trọng chứ không phải bằng vật chất tầm thường, đặc biệt là những thầy cô đã nghỉ hưu vì họ rất cần được động viên khi tuổi già. Nếu còn thời gian thì hãy ngồi suy nghĩ viết một đoạn văn, làm một bài thơ, chơi một bài nhạc, vẽ một bức tranh.... nói về tình cảm thầy trò để có dịp cùng chia sẻ với bạn bè, thầy cô làm phong phú thêm tâm hồn của mình thì đó chính là gửi gắm tình cảm đến thầy cô giáo một cách trân trọng và bền vững nhất!

Thay lời kết: Thiển nghĩ, ai trưởng thành cũng chọn lựa cho mình một nghề để kiếm sống cho bản thân đồng thời đóng góp cho xã hội, nghề dạy học cũng thế. Hãy suy nghĩ đơn giản rằng mỗi người trong xã hội có một nhiệm vụ khác nhau, nghề nào cũng cao quý như nhau. Thầy cô giáo có nhiệm vụ dạy học được nhân dân trả lương, các cháu HS có nhiệm vụ học để sau này phục vụ nhân dân, tổ quốc. Ai cũng có bổn phận với cộng đồng xã hội.
Nếu trong xã hội ai cũng lo tròn bổn phận, tròn vai trò thì xã hội ngày càng tốt đẹp đâu cần những việc làm tốn thời gian, gây lảng phí không cần thiết! Quý vị nghĩ thế nào?