Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

MƯA XỨ HUẾ


Mưa xứ Huế răng mà buồn chi lạ!
Nhìn mưa rơi lòng nặng trĩu nổi sầu...
Dòng Hương Giang lặng lẽ chảy về đâu?
Để con đò vắng bóng người tri kỷ.
Mưa, mưa mãi để lòng thêm suy nghĩ...
Giọt mưa buồn, vương áo kẻ bơ vơ ...
      * * *
Ai đã từng thăm xứ Huế mộng mơ 
Cầu Trường Tiền vẫn nâng gót nàng thơ,
Bến Thương Bạc khách đa tình dừng bước
Thuyền xuôi dòng, mái chèo khua nhẹ lướt
Giọng hò ai man mác dưới trăng mờ .....
Đặng Phước

18/12/2007

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

VÀI KÝ ỨC VỤN VỀ ĐỜI QUÂN NGŨ CỦA TÔI!


Đặng Phước

Như đã hứa với bà con từ dịp 22/12 năm ngoái, đến dịp này tôi lại hầu chuyện quý vị với một vài ký ức vụn trong đời quân ngũ của tôi, nhớ đến đâu kể đến đó nên không tránh khỏi dài dòng, lủng củng, mong bà con thông cảm!
Sau khi tốt nghiệp khóa lái máy ủi vào tháng 01/1983, anh em chúng tôi về nhà ở qua tết âm lịch mới vác ba lô sang trình diện đơn vị! Từ Đông Hà, 4 anh em người cùng làng Thế Chí bắt xe đò vào tới Phò Trạch trời đã nhá nhem tối, chúng tôi băng Truông Lai Hà đi qua bến đò Điền Lộc về đến làng khoảng chừng 19h00 tối. Có chi tiết tôi không thể quên đó là khi tôi đi lính thì nhà tôi đang ở trên nền đất cũ đối diện UBND xã Điền Hòa, đến khi về thăm nhà thì đất cũ mặt tiền đã bị UB xã giải tỏa để xây trạm xá nên tôi phải lần hồi hỏi mãi mới biết xã đã cấp lại đất khác trong đường hẻm cho gia đình tôi tận trên thôn 3 (đất hiện ba tôi đang ở), đúng là thiệt đơn, thiệt kép! Giá có tôi ở nhà thì sự thể sẽ không như vậy!
Ăn tết với gia đình xong, chúng tôi đeo ba lô sang Sư đoàn 384 trình diện, Ban quân lực Sư đoàn phân công tôi về Trung Đoàn 509, Trung đoàn phân tôi về tiểu đoàn 37 (sau sáp nhập với tiểu đoàn 38) đổi tên thành Tiểu đoàn 2. Ngày tôi về đơn vị mới tại Tiểu đoàn bộ 37, tiểu đội cơ giới gồm có 5 anh lính già sỹ quan chuyên nghiệp nhập ngũ 1971, 1972, có tôi lính mới nữa vị chi 6 người: 2 người lái máy ủi; 2 vận hành máy trộn bê tông; 2 người vận hành máy bơm. Đơn vị chúng tôi chủ yếu là thi công cầu bê tông trên tuyến đường Số 9 từ Biên giới Việt – Lào cho đến tận Bản Đông (Lào). Vừa thấy tôi về đơn vị mới, các anh sỹ quan chuyên nghiệp trong tổ xe máy thịt ngay con gà để liên hoan làm tôi cảm động lắm! Thú thật, thời buổi khó khăn, mấy khi được miếng thịt gà nên thèm khát vô cùng nhưng cũng phải ăn uống từ tốn chứ không để người ta coi thường!
Tôi về đơn vị mới vào thời điểm đầu năm dương lịch 1983, việc ở công trường đang còn vãn nên thời gian biểu tháng đầu tiên của tôi là: Buổi sáng sau khi tập thể dục xong, tôi quảy đôi thùng xuống sông Sê Pôn gánh 8 đôi nước về đổ đầy 2 thùng phuy để anh em dùng cả ngày. Sau khi ăn sáng ở bếp ăn xong, có khi đi đào ½ thùng giun đất về cho lũ ngan ăn, khi khác thì cuốc đất xung quanh vườn trồng khoai. Tiểu đội xe máy chúng tôi nhờ tăng gia sản xuất nên nguồn thực phẩm rất dồi dào! Chúng tôi luôn có 1 đàn gà khoảng từ 50 đến 70 con, đàn ngan khoảng 30 con. Giàn mướp, bí trước sân luôn sai quả. Có khoảng 100 bụi chuối vừa để ăn, vừa biếu đồng đội các đơn vị khác làm quà mỗi khi đến chơi. Tôi ốm yếu nên chỉ làm việc vặt ở nhà, các anh khỏe, có kinh nghiệm thì đi phát rẩy trồng ngô, trồng củ mì để làm thức ăn cho gia súc gia cầm. Ngan gà nuôi được chỉ để dùng làm thực phẩm để cải thiện chứ không bán bao giờ! Mỗi lần anh em trong tiểu đội có khách đến chơi thì giết thịt đãi khách, cuộc sống của chúng tôi rất ổn, không vất vả bằng anh em ở các đại đội công binh lao động thủ công!
Thấm thoát gần 2 tháng sinh hoạt tại đơn vị, lần đầu tiên máy ủi của tôi mới được điều đi công trường cùng với xa trưởng, anh tên Đào Văn Lập quê Thái Nguyên (anh em thường gọi thân mật với biệt danh là Lập Vẫu). Chiếc C100 già của Liên Xô hành quân ra tăng cường cho C5 (đại đội 5) đóng quân tại Biên giới Việt Lào đang thi công cầu Bản Rôn. Vừa đến nơi, máy chúng tôi thi công ủi mặt bằng để làm doanh trại, khi doanh trại đang dở dang chưa xong, gặp lúc tiết trời hanh khô, bà con dân bản đốt rẩy để trồng lúa, máy chúng tôi phải ủi đường quai bao để phòng hỏa hoạn. Tuy vậy, hỏa hoạn vẫn xảy ra khi bông lau bốc lên cao, gió thổi mạnh mang theo cả mồi lửa thả ngay trên mái nhà tranh. Lửa bốc cao, chúng tôi phải chọn phương án dùng máy húc đổ cả lán trại đang cháy để tránh lây lan! Tôi ngồi trên máy tác nghiệp mà mồ hôi chảy ròng ròng nhưng thật vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ!
Chiếc C100 già cỗi của đơn vị, máy móc cũng đã cũ, khung sườn đã mòn, càng ben thì rơ lại điều khiển bằng dây cáp nâng hạ ben nên thao tác rất khó khăn, nếu không khéo sẽ bị rối cáp phải tháo ra quấn lại rất vất vả! Thỉnh thoảng trông thấy mấy chiếc D7, D9 của Mỹ hay Komasu của Nhật dùng thủy lực nâng hạ ben mà thèm. Ngày nào nó cũng ì ạch làm việc 2 ca do tôi và anh Lập Vẫu điều khiển! Muốn lấy đất ở ta luy, đối với máy thủy lực chỉ cần nghiên lưỡi ủi là được, riêng với C100 thì chúng tôi phải dùng đất kê một bên bánh xích phía ngoài để tạo độ nghiêng, gặp phải máy cũ, chốt lắp càng ben lưỡi ủi bị rơ thì bó tay luôn! Khổ nhất là bánh xích bị mòn quá cỡ nên hay tuột xich. Mỗi lần máy tuột xích chỉ có đi lùi thì xích mới trở lại rảnh khớp được… đôi khi máy lại tác nghiệp trên phạm vi hẹp nên rất khó khăn!
Tính tôi hay thương anh em công binh lao động chân tay nên thường khi buổi sáng ra công trường tôi dặn anh em trước là buộc sẵn dây vào các khung bailay bằng sắt (dùng để dựng cầu tạm của Mỹ) để tôi tranh thủ kéo vào vị trí cho anh em đỡ khiêng vác, vất vả. Nếu gặp tổ cắt sắt phi 6, phi 8 thì tôi bảo họ buộc vào cây to và đuôi máy ủi để tôi kéo thẳng cho họ làm cho nhàn. Nhờ vậy, có tổ họ chỉ làm một buổi sáng là xong công việc nhận khoán, buổi chiều được nghỉ ngơi! Điều đó làm tôi vui lắm!
Máy chúng tôi thi công, quân đội cấp dầu theo giờ hoạt dộng chứ không khoán khối lượng. Mỗi giờ máy hoạt động, đơn vị cấp 9 lít dầu diezel (không kể có tải hay không tải) chính điều này thể hiện sự yếu kém trong quản lý! Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, mỗi ca máy tôi làm có khi đạt khối lượng gần gấp đôi các máy khác cùng thi công, điều này làm anh Lập Vẫu không vui, có lần anh nhắc tôi “Mày làm hăng như vậy, anh em già chúng tao theo sao nổi!”. Số là khi thi công máy ủi, tiến cài số 1, nhưng lùi không có tải nên tôi cài số 3 để rút ngắn thời gian vô ích nhằm đạt hiệu suất máy thì các anh già tiến hoặc lùi đều cài số 1. Nếu ngồi xem các anh làm, ai có chuyên môn rất sốt ruột! Làm nhiều thì hao tốn dầu nhiều nên các máy khác mỗi ngày máy hoạt động dư khoảng 20 lít dầu, máy tôi làm dư khoảng 15 lít/ngày. Số dầu đó được bán cho mấy bà buôn ở bên Lao Bảo sang gánh bộ về để bán cho máy xát gạo hoặc đò máy. Tôi nhớ 20 lít bán được 100 đồng tiền Miền Băc (chưa đổi). số tiền đó đem mua trà, thuốc lá cùng dùng với nhau chứ cũng chẳng ai tư riêng gì cả! Lâu lâu, anh em cõng dầu lên núi đi đến các bản người Lào Phu Thay để đổi gà, lợn, chó đem về cải thiện! Xi măng thời đó quí lắm, khi máy nghỉ hoạt động, nếu thèm gà vịt, tổ chốt lấy trộm bao xi măng Bỉm Sơn mang sang Lao Bảo đổi con chó về thịt ăn với nhau. Tôi nhớ có lần, vào ngày Chủ Nhật, lợi dụng lúc ông Ngô Quang Trướng (Tiểu đoàn trưởng) về đơn vị từ sáng sớm, anh Thạnh (lính thợ mộc ở chốt) dặn tôi trông chừng để anh vác bao xi măng đổi con chó về làm thịt, tôi đứng núp sau cái máy trộn bê tông, ai dè không biết ông Tiểu đoàn Trưởng buổi trưa đột ngột trở lại điểm chốt, ông đã trông thấy chúng tôi. Tôi bèn đến thưa thật “Thưa cụ, có người dân ở Lao Bảo muốn đổi con chó lấy bao xi măng mà cụ đi vắng nên định lấy trộm 01 bao, giờ xin cụ giả lơ đi vào trong chòi để anh Thạnh vác xuống bờ sông giao cho họ”. Nghe xong, ông bảo: “Thôi, đi nhanh đi! Đừng để bị lộ mang tiếng!” (hihi) Tối đó cả chỉ huy và lính làm bữa rượu thịt chó no say!
Lán trại tại điểm chốt công trường của chúng tôi sát biên giới Việt –Lào nên Chủ nhật anh em thường hay sang Lao Bảo chơi. Có lần đang đi, thằng Thuận người Diên Khánh, Khánh Hòa thấy đàn dê của bản đi ăn, nó lấy khúc cây rừng đánh một phát, hành động của nó ban đầu chỉ là chọc phá thôi, không ngờ đánh trúng chỗ hiểm nên con dê liệt 2 chân sau, nó lết vào bụi nằm. Khi về đến chốt, nó báo lại cho anh Phong (kỹ sư xây dựng), anh bảo thằng Thuận phải quay lại tìm cho vào bao đem về kẻo dân bản biết thì rất ồn ào! Nó đem con dê về làm thịt, anh em cả điểm chốt ăn ngon đến bây giờ tôi còn nhớ vị ngọt của thịt dê!
Thời gian còn ở Tiểu đoàn bộ 37, khi tôi mới về do ông Nguyễn Quang Sinh làm tiểu đoàn trưởng, ông này mê gái có tiếng nên anh em tiểu đội xe máy rất ghét! Phía trước mặt đơn vị tôi có một sân bóng, xe quá cảnh sang Lào chở thạch cao và gỗ đem về VN thường đậu xe nghỉ qua đêm. Phía trong hàng rào là bãi để các phuy xăng, dầu dùng cấp cho xe máy hoạt động. Có lần tôi trông thấy ông Sinh và tay khí tài đơn vị đang bán 2 phuy xăng cho xe quá cảnh. Tôi báo cho các anh trong tiểu đội xe máy, họ gọi điện báo cho Trung đoàn, sau đó an ninh quân đội về điều tra, xác mình và ra quyết định kỷ luật rồi điều ông Sinh vào nhận công tác tận trong Cồn Hến gần mỏ Thạch cao, ở đó fulro rất nhiều.
Tôi lái phụ cho anh Lập Vẫu được 01 năm thì anh phục viên, tôi lên thay anh làm lái chính. Bấy giờ ở tiểu đội xe máy toàn sỹ quan chuyên nghiệp sắp phục viên nên ông Tĩnh tiểu đoàn trưởng mới được điều về tiểu đoàn 37 điều thằng Châu (nhập ngũ 1983) từ tổ thợ mộc sang tiểu đội xe máy. Thằng Châu lúc bấy giờ chưa qua đào tạo, ông Tĩnh giao nhiệm vụ cho tôi kèm cặp nó lái máy. Người nó trông to xác, tưởng khỏe hóa ra mỗi lần làm cùng, tôi chưa đổ mồ hôi thì người nó mồ hôi chảy nhễ nhại, ướt dầm cả áo trông nó rất mệt mỏi! Nó chậm hiểu và cực vụng về. Mỗi lần lên máy thao tác trông nó lóng ngóng nên hay mắc lỗi kỹ thuật thành ra để nó làm xong mình phải sửa rất vất vả! Nó về làm với tôi được khoảng 3 tháng, trong một lần đi chốt phối hợp với đại đội cơ sở, nó gây ra sự việc động trời, tôi phải nhận thay cho nó để nó được thoát tội! Hôm ấy tôi đang lái máy đào đất ở công trường thì nghe tiếng bộc phá nổ rất to ở con suối cách chỗ tôi khoảng 500m, thấy nó chạy về mặt tái mét. Tiếp sau là dân bản làng kéo đến tố cáo với đại đội trưởng Đại đội 5. Ông Mão, chính trị viên đại đội 5 ra hỏi tôi: “Tổ xe máy có ai đánh cá ở suối, dân đang kéo ra phản đối kìa!”, Tôi nói với ông: “Tôi đánh cá cải thiện đấy!” . Tưởng nói vậy xong thì thôi, ai dè ông gọi điện về Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, ngày hôm sau tôi nhận được lệnh điều về đơn vị, bàn giao máy cho anh Cường Xồm (thợ máy bơm) và thằng Châu lái. Tiểu đoàn bộ kiểm điểm, tôi bị kỷ luật ở đơn vị, ngày nào cũng đi phát rẩy cả tháng trời nhưng tôi vẫn cắn răng không nói nửa lời! Vậy mà thằng Châu khi về đơn vị, nó không hề nói với tôi một lời cho phải, tôi tức lắm nhưng đã trót nói lời “quân tử nhất ngôn” nên đành giấu hết tất cả! Sau 35 năm nay sự việc trở thành vô hại nên mới kể ra để hầu chuyện cùng bà con như đã hứa vào dịp này từ năm ngoái!
Mấy ngày qua, tình hình thế giới có nhiều biến động, tình hình đốt lò của ông Trọng ở trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, thêm nhiều quan chức từ tướng tá công an, quân đội lẫn quan chức hàng tỉnh, thành phố đã bị sa lưới pháp luật. Qua quan sát của người dân thì thấy rõ là tòa án xử quan chức tham nhũng vẫn còn quá nhẹ so với mức thiệt hại gây ra cho dân. Tuy nhiên, điều cốt lõi là người thì có thể bỏ tù, còn tiền của dân cũng tan thành mây khói! Điều đau lòng nhất là án xử phạt tù nhân chính trị ngày càng có chiều hướng tăng cao, lại thêm từ 01/01/2019 luật Animal có hiệu lực không biết chính quyền sẽ có thêm những động thái gì? Đôi khi nghĩ lắm rồi tự chậc lưỡi “Thôi thì họ thích làm gì thì làm, mình cứ sống với chính con người thật của mình”. 
Ngoài kia, tiết trời se lạnh, một mùa Giáng sinh 2018 đang về … hy vọng sẽ mang lại nhiều tin lành cho dân tộc Việt Nam!
21/12/2018

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ TỰ DO DÂN CHỦ VÀ ĐỘC TÀI: "NGƯỜI LỚN" ÍT TUỔI VÀ "TRẺ EM" NHIỀU TUỔI ?


Tại các nước có nền chính trị dân chủ, tự do, trẻ em luôn tự tin bày tỏ quan điểm của mình, thậm chí còn tự bảo vệ quyền lợi của mình, tôi cho rằng dù tuổi sinh học chúng thấp nhưng tuổi trí tuệ của chúng thì nhiều người lớn ở xứ ta vẫn còn xách dép cho chúng! Câu chuyện sau đây là một ví dụ:
Theo luật lệ địa phương tại thị trấn Severance, bang Colorado, Mỹ, ban hành gần một thế kỷ trước, điều 5, mục 80, cấm trẻ em ném tuyết vào nhau, coi hành vi đó là bất hợp pháp tại thành phố này.
Hôm qua, 06/12/2018, cậu bé Dane Best 9 tuổi đã có một bài thuyết trình thuyết phục hội đồng làm luật thành phố và được chấp thuận bỏ điều 5, mục 80 nói trên! Cùng thời điểm đó, giới trẻ VN "nô nức" xuống đường ăn mừng kết quả trận bóng giữa VN - Philipines với tỷ số 2-1
Mở đầu bài thuyết trình, cháu nói: "Trẻ em ngày nay cần lý do để chơi ngoài trời. Nghiên cứu cho thấy, việc thiếu tiếp xúc ngoài trời có thể dẫn đến bệnh béo phì, bệnh ADHD (bệnh tăng động, giảm sự chú ý), lo lắng và trầm cảm..." . Bài thuyết trình của cháu được hội đồng bỏ phiếu thông qua. Thị trưởng Don McLeod đã chính thức công bố bãi bỏ điều luật nói trên và cho phép Dane Best vinh dự được ném tuyết đầu tiên, tại thời điểm chính thức không bị coi là phạm luật!!!
Điều gì tạo cho cậu bé mới 9 tuổi đã trưởng thành về nhận thức? Đó chính là thể chế chính trị tự do, dân chủ cho phép công dân có quyền biểu đạt những suy nghĩ của mình, từ đó làm cho con người mau chóng trưởng thành! Hiện tượng trẻ em ở các nước dân chủ quan tâm đến vận mệnh quốc gia không phải là hiếm! Năm kia, Cô bé Brooke Blair (5 tuổi) trách Thủ tướng Anh tại sao không giúp đỡ người nghèo? Còn ở Mỹ, trong thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, người ta làm một phóng sự có nội dung phóng viên vào các trường trung học đệ nhất cấp để hỏi các học sinh về sự lựa chọn ai làm tổng thống thì các cháu đều biết bày tỏ quan điểm rõ ràng: thích ứng cử viên này, không thích ứng cử viên khác ....
Ngược lại, thể chế chính trị độc tài, công dân luôn sống trong trạng thái lo sợ bị chính quyền chụp mũ, bị bắt bớ mỗi khi muốn bày tỏ quan điểm nên lâu dần họ trở thành hèn nhát, sơ hãi bất cứ điều gì, thành thử con người ở đó tuổi sinh học thì cao nhưng tuổi đời thì cực thấp!
Nhìn cảnh nhiều người dân VN vô cảm trước bất công xã hội, thờ ơ với nguy cơ bị TQ xâm lược, bị đầu độc đến chết ... nhưng sẵn sàng xuống đường đi "bão", thậm chí có đứa con gái còn cởi quần trần truồng như nhộng cầm cờ đỏ chạy trên phố để ăn mừng một trận thắng bóng đá "ao làng" thì đủ thấy thanh niên bây giờ tuy lớn xác nhưng suy nghĩ không bằng đứa trẻ Brooke Blair 5 tuổi của nước Anh! Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng đêm 06/12/2018, có 25 người chết, 250 người bị thương do tai nạn, CA bắt 78 trường hợp đua xe. Rác rưởi xả đầy các trung tâm đô thị ... đó là cách mà tuổi trẻ VN thể hiện "tự do" biểu đạt trong xã hội hiện nay!
Nhà thơ Tản Đà, cách đây non thế kỷ đã từng thốt lên rằng:
"Dân hai lăm triệu, ai người lớn,
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con"