Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

VIỆT NAM LUÔN CHIẾN THẮNG!

Tổ tiên Hán tộc tự ngàn xưa,
Mộng làm bá chủ, làm gió mưa
Bao phen xâm lược nước Nam Việt,
Thảm bại, bỏ thây vẫn không chừa!?
Bạch Đằng vùi xác quân Nam Hán,
Ngọc Hồi, hỏa hổ khiếp sợ chưa!
Xưa, nay nước Việt luôn hòa hiếu
Động binh, Việt thắng Tàu chắc thua! 
23/8/2019
Đặng  Phước
Chú thích: Hỏa hổ là loại vũ khí Quân Tây Sơn dùng trong trận Ngọc Hồi. Vũ khí này dùng liều thuốc nổ phóng những bó cỏ khô đốt cháy vào trận địa đối phương.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

ĐỜI VIỄN XỨ, THUYỀN NHÂN, THÙNG NHÂN

Xưa, thời bao cấp lầm than
Thuyền nhân liều chết vượt ngàn dặm xa
Bất chấp bão tố, mưa sa ...
May mắn sang nước thứ ba, thiên đường
Rủi thời bỏ mạng thảm thương!
Làm mồi cho cá chuyện thường nguy nan
Cắn răng, quyết chí bền gan
Bao phen vấp ngã lòng càng nấu nung
Liều thân viễn xứ mịt mùng
Dân Việt bôn tẩu khắp cùng bốn phương
Nay thời tị nạn hết đường
Dân Việt nghĩ cách tìm phường thoát thân...
Giàu có, "du học" rần rần
Đầu tư nhà cửa để dần xa bay
Người nghèo tìm mối đi vay
"Xuất khẩu lao động", việc tày khổ sai
Công ty ăn chặn trong ngoài
Trong thu nợ lãi, ngoài cài tiền công
Thất nghiệp, vợ bàn với chồng
Từ ngày biển chết ở không ăn gì?
Ra khơi, thôi chẳng dám đi!
Gặp tàu Trung cộng tức thì tan thây...
Em mới kiếm được đường dây
Trốn sang Anh quốc gặp may đổi đời
Ba chục ngàn bảng vay rồi
Để em sang đó gặp thời lên hương!
Đến hẹn, tiễn biệt lên đường
Con te nơ di chuyển dặm trường gian lao
Qua trạm sợ nhiệt độ cao
Lái xe giảm nhiệt, khác nào tuyết băng
Thuyền nhân vượt biển khó khăn
Thùng nhân bán mạng cực bằng người xưa!
Động lòng, trời đổ cơn mưa
Nén hương lòng thắp tiễn đưa phận người!
29/10/2019
Đặng Phước

PS: Mời xem link sau:
https://www.facebook.com/100028465544376/posts/264337177858465/


Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

THIÊN CHỨC CAO CẢ CỦA PHỤ NỮ?


Theo xu thế xã hội, hiện có nhiều chuẩn đánh giá về sự thành công của người phụ nữ. Tại  VN, các nhà làm luật Lao động vin vào cớ nam nữ bình đẳng để nâng tuổi lao động của phụ nữ xấp xỉ bằng nam giới để họ "có cơ hội tiến thân" nắm giữ các chức vụ  quan trọng của nhà nước. 

Theo tôi, một quốc gia có tầm nhìn tương lai lâu dài thì việc chú trọng phát triển giống nòi đảm bảo thế hệ lao động sau có tiềm năng về sức khỏe và trí tuệ cao hơn thế hệ trước đó mới là tầm nhìn chiến lược của quốc gia! 

Để giải bài toán chiến lược con người chỉ có giải pháp hữu hiệu là đề cao thiên chức của phụ nữ đó là thiên chức “làm vợ – làm mẹ”.  Thiên chức cao cả ấy đòi hỏi trí tuệ và sự hy sinh lớn nhất của phụ nữ! Thành công lớn nhất của phụ nữ là sự trưởng thành của những người con do họ sanh ra và nuôi dạy nên người. 

Phụ nữ thành đạt trong công việc ư? Điều đó có ý nghĩa gì khi cả ngày vắt kiệt sức cho công việc đến nỗi không còn thời gian cho con bú... để rồi con trẻ phải bú sữa bình, thiếu hơi ấm của mẹ? Đứa bé sẽ lớn lên trong tình trạng thiếu cả tinh thần lẫn vật chất liệu sức khỏe của nó có đảm bảo? Thiếu sữa mẹ tức là thiếu một số vitamin và kháng chất cần thiết có trong sữa để cơ thể trẻ chống lại một số bệnh mà trẻ sơ sanh thường gặp, bệnh tật cũng từ đó mà ra. Thể hệ lao động của quốc gia trong tương lai chắc chắn sẽ giảm sút về năng lực, tương lai quốc gia sẽ kém phát triển! Ngược lại, người phụ nữ khi có thời gian chăm sóc con sẽ toàn tâm toàn ý  dành tất cả tình thương cho con, chăm sóc dạy dỗ chúng nên người cả về sức khỏe, trí tuệ lẫn tình cảm.

Cô Tâm xóm tôi hiện là giám đốc một chi nhánh ngân hàng lớn, xét chuẩn đánh giá phụ nữ thời nay, dưới con mắt của nhiều người thì cô ấy là người phụ nữ thành đạt. Chồng cô là một giảng viên đại học, 2 người có đứa con gái được 6 tháng tuổi. Hằng ngày, cô đi làm từ 6h30 cho đến 18h00 mới về nhà, nhiều khi tiếp khách nhậu nhẹt thì phải 21h00 mới về nhà. Đứa bé con cô nhờ người vú chăm sóc từ sáng đến tối chuyên bú sữa bình. Ông chồng cô thỉnh thoảng buổi trưa về nấu cơm ăn rồi chơi với con nhưng đa phần là  ăn nhậu với sinh viên hoặc đồng nghiệp. Các bạn thứ nghĩ, có ông chồng nào muốn vợ mình thành đạt công việc mà bỏ bê con cái?  Liệu gia đình họ có hạnh phúc? 

Tôi là nam giới chỉ làm mỗi việc dạy học nên hễ có tiết dạy thì lên lớp, không có tiết thì ở nhà lo soạn bài, đọc tài liêu, đọc báo để mở rộng kiến thức .... mỗi lần lên cơ quan thấy các cô nhân viên làm ở các phòng đào tạo, phòng hành chính ngồi cả ngày 8 tiếng mà thấy ái ngại cho họ. Chưa hết giờ hành chính muốn đi đón con học trường mẫu giáo cũng phải mắt trước mắt sau kẻo sợ bị phê bình, thật là khổ! 

Cho nên, nếu những nhà hoạch định chính sách quốc gia cố tạo nhiều việc cho phụ nữ gánh vác mà tước đi một phần thiên chức làm mẹ cao cả của họ, tôi cho đó là có tội với dân tộc!

Nên chăng, tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp công việc xã hội  vừa phải, tượng trưng ở mức độ tối thiểu về thời gian. Ưu tiên đào tạo những việc làm có tính chất nhẹ nhàng để thông qua lao động giá trị nhân cách của phụ nữ được nâng cao, thay vì tính hiệu quả công việc. Hiệu quả công việc của phụ nữ là việc sanh đẻ, chăm sóc nuôi dạy con cái họ thành người. 

Một quốc gia văn minh cần chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản của phụ nữ cụ thể:
- Giáo dục sức khỏe tiền hôn nhân
- Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân
- Đặt ra chế độ ưu tiên nghỉ thai sản từ thai kỳ tháng thứ 6 đến hết thời gian cho trẻ bú mẹ (khoảng từ 21 đến 24 tháng)
- Có chế độ chăm sóc đặc biệt sức khỏe phụ nữ sau mang thai và  trong thời kỳ nuôi con mọn.
- Chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho trẻ em đến hết 6 tuổi.

Tóm lại, theo quan điểm cá nhân tôi, dù phụ nữ có là nguyên thủ quốc gia nhưng nếu không tạo ra được những người con đủ sức khỏe, trí tuệ và tình cảm để phụ vụ quốc gia dân tộc thì người phụ nữ đó xét về thiên chức thiên phú, họ chỉ là kẻ thất bại! 
21/9/2019
Đặng Phước

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

CÂU CHUYỆN HAY VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI MÀ AI CŨNG NÊN ĐỌC

'Đây là nhà của bố và con đang ở nhờ mà thôi' 

Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.

Từng ở London 6 năm, anh Hoàng Huy - hiện là Giám đốc Marketing và phát triển kinh doanh của Tập đoàn TransViet chia sẻ câu chuyện bố anh luôn nói với anh rằng: "Đây là nhà của bố, xe của bố, con chỉ đang ở nhờ và đi nhờ mà thôi". Cũng từ câu chuyện này cùng những câu chuyện nhỏ về các loài vật tự kiếm ăn sinh sống được kể đi kể lại, anh Hoàng Huy nhận ra sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông chiều sẽ làm cho con người ta không thể ỷ lại hay trông chờ vào bố mẹ. Sau đây là toàn bộ câu chuyện mà anh Hoàng Huy chia sẻ.

"Bố cho con cái gì?"
"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….”
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.

"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.

Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn "Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình. Con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết"

Tôi, hơi sốc, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới. Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300 nghìn/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.

6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.

Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: "Đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé. Và con đang... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ... luôn thuộc về con".

Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính. Không tự ái, không phiền lòng, tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua. Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy: "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay: "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện". Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật.

Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.

Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn, gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo. Hay câu chuyện về loài đại bàng: Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.

Sự hào phóng không đúng chỗ của bố mẹ khiến con trở thành đứa trẻ yếu ớt, ỷ lại

Những điều tôi kể trên đây với nhiều người, nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.

Bạn không có tiền học đại học? Được thôi, hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.

Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt, không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình.

Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ.

Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”

Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.

Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.
(ST)

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

PHẢN ĐỐI ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH "HÌNH SỰ ĐẶC BIỆT" VỚI KẺ CHỦ MƯU PHẠM NHẬT VŨ VÀ CÁC TÒNG PHẠM!


Báo VTC đưa tin: "Liên quan thương vụ MobiFone mua 95 % cổ phần AVG, cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị "áp dụng chính sách hình sự đặc biệt" phù hợp khi truy tố, xét xử với cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ông Lê Nam Trà (cựu chủ tịch MobiFone), Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Phan Thị Mai Hoa (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Tổng Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG)" (Hết trích)

Về vấn đề này, tôi xin có mấy ý kiến sau:

Trước hết,  Cơ quan điều tra hãy nói xem tại sao những người biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược, phản đối bất công, phản đối các dự án phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường, hệ lụy đến sinh thái thì các ông xử tù, thậm chí  cô gái Nguyễn Đặng Minh Mẫn ghi biểu ngữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của VN" bị phạt tù rất nặng đến 8 năm tù giam, 5 năm quản chế!?

Thứ nữa, dân nghèo ăn trộm con vịt về nhậu, các ông bắt kêu án 7 năm tù ( có lẽ do vòi tiền chạy án không được đáp ứng vì nhà bị can quá nghèo),
Hai thiếu niên cướp 100.000đ để mua bánh mì ăn chống đói bị kêu án 15 năm tù...

Vụ án MobiFone - AVG số tiền định cướp đoạt của dân là 7000 tỷ, có 14 bị can bị khởi tố trong đó có 2 cựu bộ trưởng Bộ TT&TT, vai trò chủ mưu số 1 phải kể đến cựu chủ tịch công ty nghe nhìn toàn cầu AVG - Phạm Nhật Vũ,  vậy các ông định áp dụng tình tiết giảm nhẹ thế nào?

Thương vụ MobiFone mua AVG nếu không bị phanh phui thì sẽ làm thất thoát tiền của dân là 7000 tỷ VNĐ, đây cũng là một trong những đại án kinh tế vậy mà cơ quan điều tra đề nghị "áp dụng chính sách hình sự đặc biệt" vì đã chuyển nhượng cổ phần hoàn vốn cho NN và nại ra chuyện gia đình có công CM thì quá ư coi thường dân ....

Riêng cá nhân tôi kịch liệt phản đối áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với vụ án này!

Cũng cần nhắc lại, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thể hiện rất rõ chính sách trong xét xử hình sự. Theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành thì nguyên tắc xử lý đối với tội phạm là: “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần địa vị xã hội.".
05/9/2019
Đặng Phước

PS: Mời nghe Luật sư Nguyễn Văn Đài phân tích thêm:
https://m.youtube.com/watch?utm_source=Facebook_PicSee&v=oU4QiXPueGQ


Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

ĐẤU TRANH ĐÒI QUYỀN LỢI HỢP PHÁP NHƯNG THIẾU ĐOÀN KẾT RẤT DỄ BỊ DỌA NẠT, DỤ DỖ!

Chắc anh chị em còn nhớ vụ việc tuyển dụng viên chức GV các cấp tại huyện Easup, tỉnh Đăk Lăk bắt đầu nóng MXH khoảng vào đầu tháng 6/2019 khi phòng Nội vụ huyện này từ chối nhận GV mầm non tốt nghiệp Hệ 9+3. Sau 3 bài phân tích của tôi họ đã áp dụng thông tư 3645/BGDĐT-GDCN của Bộ GD&ĐT tiếp nhận hồ sơ cho các GVMN hệ 9+3 như nói trên.
Đặng Phước

Nhưng sau đó, báo chí đăng Thông tư số 03/2019 - TT- BNV hướng dẫn xét tuyển đặc cách cho công chức, viên chức có thời gian công tác từ 5 năm trở lên.

Công văn hướng dẫn 1024 - SNV CCVC của Sở nội vụ Daklak đã triển khai thông tư 03/2019 TT BNV bắt đầu từ 01/7/2019 thực hiện.

Nhận được công văn 1024 - SNV CCVC của Sở nội vụ Daklak, một số giáo viên diện hợp đồng dài hạn trên 5 năm đến hỏi ông Nguyễn Thanh Tuấn - TP Nội vụ huyện Easup, Daklak xác định xem các giáo viên này có thuộc đối tượng viên chức được xét tuyển theo Thông tư 03/2019 thì ông trả lời rằng các giáo viên này thuộc diện "hợp đồng lao động, chưa phải là viên chức nên không thuộc diện xét tuyển theo thông tư 03/2019 BNV". Các cô còn cho biết  ông Tuấn còn dặn "không được chia sẻ thông tư 03/2019 TT BNV" (?)

Tuy nhiên, theo Luật viên chức số 58/2010/QH12 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định: "Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật".

Nhận thấy có điều khuất tất, các giáo viên ở Easup đã gọi điện nhờ tư vấn, tôi đã hướng dẫn nhờ Luật sư hỗ trợ pháp lý để kiện Phòng Nội vụ Easup.
Ngày 6/8/2019, một số giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học  đã gặp LS. Phú sau khi tư vấn, LS Phú bàn giao cho LS Kiệt hướng dẫn các giáo viên làm đơn khiếu nại để cho UBND huyện trả lời rồi căn cứ vào đó để khởi kiện hành chính. Nhưng đến khi nộp đơn chỉ có 2 người nộp, còn các GV khác do sợ bị đì nên không nộp cùng.
Đến gần ngày thi tuyển mà vẫn chưa nhận được công văn của UBND tỉnh và Sở Nội vụ Đăk Lăk, các giáo viên mầm non  đã nộp đơn gọi điện hỏi tôi rằng họ có nên tham gia thi tuyển không? Tôi bảo các em cứ thi bình thường.

Sáng ngày 21/8/2019, khi cô ấy chuẩn bị bước vào phòng thi vấn đáp, có một giám thị đến đưa tờ giấy A4 đề nghị viết giấy rút đơn khiếu nại, cô kể:
-Khi vào khu vực thi, họ yêu cầu tắt nguồn điện thoại, em chỉ lấy điện thoại ra soi gương để chải đầu trước khi vào thi cũng bị bảo vệ nhắc nhỡ, đòi đuổi ra khỏi khu vực thi làm em bị áp lực tâm lý. Lúc em chuẩn bị vào phòng thi, có một giám thị  đeo thẻ nhưng úp tên vào trong đến gặp rồi đưa cho em tờ giấy A4 và cây bút bảo em viết  giấy rút đơn khiếu nại  trước khi  vào thi, viết xong nộp cho ông Tuấn (TP. Nội vụ huyện) nhưng em không  biết ông Tuấn ở đâu cả rồi giám thị cầm giấy rút đơn đem qua cho ông Tuấn xong chỉ cho em vào phòng thi luôn”

Hôm qua, cô giáo viên mầm non  nói trên  đã thông  báo cho tôi “Em đã được trúng tuyển” thực lòng tôi mừng cho em, nhưng tôi có chút không hài lòng, tôi nói:
-Thầy không đồng ý cách giải quyết của em, vì thầy biết  họ chỉ thỏa hiệp riêng với em để em không kiện họ nhưng họ làm khó các bạn của em”

Em nói lời hối hận:
-Em xin lỗi thầy, có lẽ vì đúng lúc đó em không biết phải làm thế nào nữa thầy ạ. Họ rất đông mà em chỉ có một mình. Em nghĩ mà tự  bực bản thân,  giá như công văn của UBND tỉnh  về trước ngày 21/8/2019 thì em cương quyết không rút đơn! Tiếc là nó gửi về quá trễ!

Tôi an ủi:
-Thầy chỉ không đồng ý chứ không trách em được!

Em phân trần:
-Em cũng cố gắng nhiều lắm thầy ạ, nhưng đến ngày em nộp đơn xong các bạn của em đều quay lưng lại với em, không ai chịu nộp đơn nữa thầy ạ! Có điều em chờ mãi mà không thấy công văn trả lời của UBND tỉnh Đăk Lăk  nên cũng có phần hoang mang!

Qua câu chuyện trên, ta thấy:
1/ Phòng Nội vụ Easup, tỉnh Đăk Lăk  biết  việc họ làm là sai nên đã đối phó bằng cách gây áp lực với người khiếu nại sau đó thỏa hiệp ngầm để người khiếu nại rút đơn. Giám thị đeo bảng tên đáng lẽ phải quay tên ra ngoài sao lại úp tên vào? Chi tiết này cho thấy họ đã có sắp đặt trước!

2/ Những người có quyền lợi là các giáo viên thuộc diện hợp đồng có thời gian công tác từ 60 tháng trở lên muốn đòi quyền lợi nhưng hèn nhát, sợ bị làm khó nếu không thắng kiện nên không  có quyết tâm cao, vì thế không tạo được sức mạnh đoàn kết tập thể!

3/ Cô giáo mầm non nộp đơn kiện có đủ dũng khí, vượt qua sợ hãi, ban đầu quyết tâm đòi quyền lợi chung cho tất cả nhưng thiếu bản lãnh nên đã bị dọa nạt, dụ dỗ! Mặt khác, khí thấy các GV cùng cảnh ngộ quay lưng lại với mình thì hoang mang, lại được Trưởng phòng  Nội vụ huyện chỉ đạo giám thị đề nghị cô rút đơn (có lẽ có nói gì đó để thỏa hiệp - ĐP) thì nghĩ rằng “mình đấu tranh được chung nhưng có ai ủng hộ đâu” nên nản chí mà  chậc lưỡi nhắm mắt đưa chân “Vậy cũng được”. Tôi thực tình không trách em GVMN đã rút đơn vì trong cuộc đấu tranh, khi hô xung phong mà chỉ mỗi mình em tiến lên, còn tất cả thụt lùi thì hành động của em ta không thể trách được!

Chắc chắn trong tương lai, các huyện khác cũng có trường hợp tuyển dụng tương tự nên thầy khuyên các bạn nên bình tĩnh, phân tích đúng sai, thiệt hơn để đoàn kết nhất trí mới mong đạt được những quyền lợi tập thể chính đáng khi bị nhà cầm quyền các địa phương tước đoạt!

Xin hãy nhìn sang đặc khu Hong Kong để biết được tuổi trẻ của họ đã hành xử với nhà cầm quyền  như thế nào, đối xử với đồng đội như thế nào  trong các cuộc biểu tình đòi độc lạp dân chủ trong suốt gần 3 tháng qua để tự rút ra bài học kinh nghiệm cho chính bản thân mình!
Mời đọc báo đăng tại:
https://nghiepdoangiaochuc.org/2019/08/30/dau-tranh-doi-quyen-loi-hop-phap-nhung-thieu-doan-ket-rat-de-bi-mua-chuoc/
30/8/2019
Đặng Phước

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

SỰ TÍCH TÊN CÁ LÚ

SỰ TÍCH TÊN GỌI CÁ LÚ
Xưa kia "cá" chỉ một tên,
Nhân khi nước lũ cá lên chầu trời,
Hỏi rằng: - "Loài cá chúng tôi,
Sinh ra là đã biết rồi lội bơi...
Gọi chung tên "Cá" khơi khơi,
Làm sao sánh kịp loài người thông minh?"
Trời rằng: - "Ta cũng thuận tình,
Đặt cho tên gọi phân minh rạch ròi":
Nóc Thu, Nụ, Đé, Bơn, Mòi,
Nục, Ngừ, Cơm, Trích, Đuối  đuôi roi dài
Hồng, Đối, Phèn, Đục, Sơn, Chai,
Mú, Dìa, Mối, Bớp, Chình, Gai, Chuồn, Sòng...
Rô, Trắm, Bống, Giếc, Tràu Bông, 
Hanh, Mương, Tai Tượng, Diêu Hồng ,Cá Lăng,
Thát Lát, Trê, Chạch lăng xăng
Ba Sa là cá già nhăn nhất loài!
Trời rằng:- "Loài cá còn ai?"
Một con ngờ nghệch "rặn" hoài chẳng ra,
Loài cá: - "Nó lú nhất nhà "
Trời kia bèn phán: - "Lú là cái tên"!
"Cá Lú"  ai hỏi đừng quên"
Trăm ngàn họ cá có tên trên đời!
Đặng Phước