Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Thế Chí Tây thân yêu! chuyện xưa, chuyện nay…

          Thời buổi bây giờ mà kiếm một nơi có chỉ số an toàn cao như làng mình là hiếm lắm! Này nhé! Gặt lúa xong, nếu chưa kịp chở về nhà thì cứ để hẳn ngoài ruộng không phải lo nghĩ gì! Mùa hè, đêm ngủ không cần đóng cổng. Cửa ra vào mở toang để lấy gió trời. Xe cộ để ngoài sân không cần khóa.... Nghe nói có người ở Sài Gòn về làng đi xe máy đến nhà ai, theo thói quen cứ khóa cổ xe, bị dân làng chọc quê muốn độn thổ!
         Đầu tháng 6 năm 2012, tôi có dịp về lại quê hương Thế Chí Tây thân yêu! Thời tiết miền Trung mùa hè nghe nói mấy ngày trước oi bức, khó chịu lắm! Nhiệt độ trong ngày dao động từ 35 đến 38 độ! Thế nhưng, thật may mắn,  buổi trưa tôi về đến nhà thì chiều đến trời mưa một trận ra trò! Tôi đùa với bà con rằng mình đem mưa trong Đăk Lăk về…!
         Mưa xối xả! Những hạt mưa to bằng hạt bắp rơi từ trên cao đan xéo vào nhau hối hả trút xuống cánh đồng lúa đang lất phất phủ màu xanh lá mạ non đem đến cho bà con làng ta viễn cảnh về một vụ lúa hè thu tươi tốt, bội thu! Chợt nhớ câu tục ngữ xưa của các bác, các chú quê mình “ Mưa tháng sáu – máu rồng”.
       Trong sân nhà tôi, con gà mẹ trú mưa dưới tán là cây mai mà mình thì không quên xòe cánh che cho đàn gà con khỏi ướt, miệng kêu cục, cục. Đàn vịt mới ra ràng hào hứng sục cái mỏ lép kẹp của mình vào đám cỏ sủng nước đào bới những con giun. Thỉnh thoảng, có con tìm được mồi, chúng tranh nhau, đuổi nhau trong mưa, chạy qua chạy lại trông thật ngộ nghĩnh!
                                                            Sân vận đông Điền Hòa
       Đứng trong nhà nhìn ra đường lối thấy thấp thoáng bóng bác Đ…, anh V… đi làm đồng về bị mắc mưa, người “ướt như chuột lột!”….  Tôi chợt nhớ về những kỷ niệm của một thời trai trẻ xông pha trên cánh đồng làng cùng với chiếc máy cày MTZ của hợp tác xã…..
      Vào vụ hè thu, cần kíp thời gian làm đất cho bà con kịp xuống đồng, anh em máy cày chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm 3 ca máy ròng rã. Có hôm, do tranh thủ cày đêm cho mát trời, tôi kết thúc ca máy, nhìn đồng hồ lúc đó đã 3 giờ sáng!  Giờ nghĩ lại mà kinh! Khổ nhất là lúc máy bị lầy! Kỷ niệm với tôi nhất là lần cả 2 máy MTZ của HTX bị lầy ở Biền Đội 5! (Hói Chùa)
        Hôm đó, chiếc máy MTZ do tôi điều khiển đang chạy bon bon trên cánh đồng bổng tiếng động cơ gầm rú vang trời, cột khói từ ống xả bốc lên đen ngòm. Tôi liền trả số về rồi tiếp tục tiến lên nhưng máy càng tiến, bánh sắt càng bám đất, không đi nổi, đầu máy cất cao, nếu không cắt côn kịp, máy sẽ lật chổng vó lên trời như trâu bị trục kỳ! Tôi dừng máy lên tìm chú Nghết để xin ý kiến và đồng thời nhờ máy chú trợ giúp….Sau một hồi thảo luận, chú bảo tôi lấy máy của chú men theo bờ ruộng để đến ứng cứu chiếc máy đang bị lầy! Chiếc MTZ thứ 2 của HTX tiến lên, những tưởng sẽ trợ giúp được chiếc đang bị lầy…ai dè cũng như tình trạng vừa nói, đất bám cứng bánh sắt, động cơ gầm rú, cột khói đen ngòm cả một bầu trời… và thế là chiếc MTZ thứ 2 bị lầy cách chiếc thứ nhất chỉ khoảng 10 mét. Tôi trở thành tội đồ của HTX! Đang lúc “dầu sôi lửa bỏng” mà cả 2 con trâu sắt của hợp đều bị lầy! Và thế là HTX huy động toàn dân chặt cây dương, bạc hà dọc ở đường làng. Các đội trưởng phân công bà con mang dây thừng, cuốc xẻng chống lầy cho máy! Khổ thì có khổ nhưng lúc đó cũng vui! Nhớ nhất là cứ mỗi lần lót cây chống lầy cho máy xong, một đội thanh niên lực lưỡng dùng dây thừng buộc vào đầu máy kéo kìm giữ không cho đầu máy cất cao mỗi khi máy tiến lên, có khi do lái máy cắt côn đột ngột, hai bánh trước của máy từ trên cao rớt xuống làm bùn văng tứ tung, mặt mũi người nào người nấy dính bùn trông buồn cười lắm! Sau một đoạn đường máy tiến lên các bác, các anh lại phải đào đất trong bánh lồng cho nhẹ để máy có cơ hội thoát lầy! Cuối cùng nhờ sức dân, 2 chiếc MTZ đã được cứu. Tối hôm đó, hợp tác xã chi tiền sắm lễ vật tạ thổ thần, sau đó cán bộ HTX cùng anh em uống rượu tại nhà tôi chuyện trò rôm rã về kinh nghiệm lái máy, chống lầy… thật vui vẻ như thể lập được một chiến công lớn!
        Không phụ lòng của bà con, anh em tổ lái đã đưa 2 chiếc MTZ của HTX trở lại chạy bon bon trên cánh đồng làng từ Cồn Dàng, Cồn Thót, Bác Vọng, Cồn Nổi,  ruộng Bánh cho đến Hói Chùa, Biền Mới, Biền Ông Đội … tạo điều kiện cho bà con xuống đồng  kịp vụ. Sau mấy năm chinh chiến với MTZ chúng tôi mới vở lẽ ra  do đất mặt ruộng bị khô, mức nước cạn không đủ để bánh lồng nhả đất nên máy bị lầy là chuyện đương nhiên! Mới đó mà đã 22 năm có lẻ, thời gian trôi thật nhanh, không chờ đợi con người!
        Buổi sáng hôm sau, đất trời dịu lại, cái nắng chang chang mùa hè cũng bị đẩy lùi bởi  trận mưa rào chiều qua. Anh em chúng tôi tranh thủ đưa các cháu ra biển để hít thở không khí trong lành  và  tìm cảm giác yên bình của vùng biển quê hương.
      Trên đường ra biển, đập vào mắt chúng tôi là màu xanh ngút ngàn của rừng tràm hoa vàng! Có câu “Người ta hoa đất” quả không sai! Còn nhớ, độn cát ngày xưa vào mùa hè, lũ trẻ chúng tôi đi ra biển phải vượt qua từ 2 đến 3 cụp với chặng đường khoảng hơn 2 km, cát  nóng bỏng dến rát cả gan bàn chân! Người ta bảo hoàn cảnh dạy khôn cho con người! Trong những lúc như thế, chúng tôi vừa đi, vừa chạy lại vừa phải liếc mắt thật nhanh để quan sát phía trước, thỉnh thoảng có bụi cỏ dại mọc trên cát,  cả bọn hè nhau chạy thật nhanh đến để nghỉ chân…. Nhớ thuở thanh niên còn ở quê nhà, lúc 3 giờ sáng, chúng tôi đã gọi nhau í ới đi bốc hàng lên xe bò để chở ra biển để cho kịp vô làng lúc 7 giờ kẻo bò bị nắng, người mệt đi không nổi! Thế mà giờ đây, từ làng ra biển, đường cấp phối chạy dài, lại còn có đường quốc phòng nối các phường từ Phường Tân Hội đến phường Mỹ Hòa, phường Thế Mỹ A, Thế Mỹ B, phường Mới, phường Hải Nhuận… phải nói là giao thông thuận tiện vô cùng! Từ làng ra biển, nếu đi bằng xe máy hết khoảng 3 phút! Chợt nghĩ, ước gì mình có đám đất trên đường ra biển sau này làm căn nhà nho nhỏ để dưỡng già thì tuyệt!
          Mãi suy nghĩ miên man về quá khứ, trước mắt chúng tôi một vùng biển quê hương hiện ra trong làn gió ban mai thoảng nhẹ. Xa xa là đường chân trời mà mắt nhìn có cảm giác rơi vào khoảng không vô định!
         Bình minh trên biển quê hương thật thanh bình yên ả! Từng đợt sóng nhấp nhô trong nắng mai… xa tít ngoài khơi, một vài chiếc gọ của bà con làng Thế Mỹ B đi đánh cá từ hôm qua đang chạy về phía đất liền! Cách chúng tôi không xa, một nhóm vừa thanh niên vừa trẻ con đang tắm và nô đùa với sóng biển, tiếng cười nói rộn rã, vui tươi! Chợt nghĩ quê hương mình bình yên là thế, còn trên đất nước của chúng ta biết bao nhiêu vùng biển đang bị ngoại bang lăm le chiếm đoạt mà thấy chạnh lòng….
           Lũ trẻ nhà tôi cùng với các anh em họ của chúng chạy ùa ra biển cho thỏa nổi khao khát, chờ đợi vì chúng đếm lùi từng ngày từ khi chúng tôi lên kế hoạch về quê cho đến hôm nay mới được tắm biển …. Trong suy nghĩ của các con tôi, biển đối với chúng là cả niềm vui, niềm khao khát và nổi nhớ bởi thỉnh thoảng chúng mới được về quê chứ ở Đăk Lăk có khi nào chúng được nhìn thấy biển? Nhìn chúng nô đùa với sóng, chơi trò xây nhà trên cát  mà trong lòng tôi thấy vui vô cùng! Chắc hẳn sau này lớn khôn chúng sẽ có những kỷ niệm đẹp về quê hương nơi có ông bà tổ tiên chúng sinh ra và lớn lên trên dải đất này  đó chính là làng Thế Chí Tây thân yêu của chúng ta!
                                             Biển quê mình thật đẹp và hiền hòa
          Xóm làng quê hương Thế Chí Tây vào mùa hè thật bình yên! Con đường hạnh phúc của làng được phủ thêm lớp áo mới nên mặt đường khá phẳng! Đi một đoạn lại găp chỗ các thợ xây đang đặt lại cống để tạo độ vững chải cho con đường đồng thời thoát nước trong mùa mưa sắp tới. Xe đạp có thể dắt qua được nhưng đi xe máy thì phải chạy vòng ra tỉnh lộ 49 rồi mới trở lại đường làng …. Hai bên đường, hai hàng dừa xanh tỏa bóng mát rượi! Có điều tre làng, một biểu tượng của làng quê xưa, nay chỉ còn trong ký ức! Dõi mắt nhìn xa ra cánh đồng, lúa đang mơn mởn xanh màu lá mạ. Một vài thửa ruộng trồng ớt đang mùa thu hoạch, những quả ớt chín đỏ thắm trông thật vui mắt! Thỉnh thoảng, tôi gặp người làng đi làm đồng hoặc đi công việc. Dù bận đến mấy bà con cũng dừng lại hỏi thăm nhau vài câu nghe thật ấm áp, chân tình! Gặp lại bà con xóm giềng, anh em bạn bè ai ai cũng tay bắt mặt mừng  nhắc lại chuyện xưa, chuyện nay…. Chuyện từ thời bao cấp đi chợ mua được mớ cá cho con ăn phải dấu dưới bó rau muống kẻo dân làng biết được, đến khi họp không bình xét cho mua lúa điều hòa! Chuyện chống lệnh bình xét đi kinh tế mới, bị HTX tẩy chay không điều công đi làm, không chia lúa phơi mà người ta gọi những thành phần đó là đội 10. Gia đình tôi lúc bấy giờ sống trong tình trạng đó. Thật khốn khổ! Anh em tôi đi học một buổi còn một buổi cùng với ba mạ tôi đi mót má còn sót lại 2 bên rảnh vồn má đem đi cấy ở các Rộc, hói Ngang hoặc ở chỗ ruộng khai hoang men theo bờ con sông Ô Lâu để lấy cái cho vào miệng. Ơn trời, gia đình tôi cuối cùng cũng qua cơn bỉ cực. Nhớ lại thời đó, trạc tuổi chúng tôi 15- 16 đang tuổi ăn tuổi ngủ mà phải thức đến 12 giờ mới nhận được 60 kg lúa tươi đem về phơi đong sản lượng theo mẫu của HTX. Có hôm, đến phiên nhà mình thì hết lúa phơi đành gánh quang thúng không ra về lúc 2 giờ sáng! Thịt heo thời đó được coi là món ăn xa xỉ! Mỗi năm chỉ được ăn thịt heo chính thức 2 lần đó là ngày Quốc Khánh và Tết Nguyên Đán, còn lại năm thì mười họa, có heo nhà ai bị chết, ba mạ tôi cũng cố lấy nợ năm thăng lúa cho con ăn rồi đến mùa đong lúa. Tôi nhớ mỗi lần đội 6 mổ thịt heo ở mội mệ M… anh em chúng tôi đi mót mỡ ruột đem về rán để kho nước ruốc ăn dần…. Thế mà kể từ năm 1986, nhờ chính sách khoán 10, nay quê hương đổi mới từng ngày, cảnh thiếu gạo trong mùa giáp hạt không còn nữa, bà con đã xây nhà ở và các công trình lăng tẩm khang trang, đẹp đẽ! Các nghề phụ và dịch vụ mở ra…. Đáng tiếc là nguyên liệu rơm sẵn có nhưng làng ta chưa mạnh dạn học tập công nghệ làm nấm rơm. Nhiều hộ bỏ vốn đầu tư nghề nuôi tôm ở biển nhưng chỉ phát triển được mấy năm trước, hai năm gần đây tình hình dịch bệnh, tôm chết hàng loạt làm thiệt hại kinh tế đáng kể cho một số hộ nuôi trồng thủy sản.
                                                          Cánh đồng lúa vừa gieo sạ
         Vừa đi bộ vừa chuyện trò say sưa với bạn tôi về chuyện xưa, chuyện nay… con đường làng dẫn chúng tôi đi ngang qua trung tâm hành chính xã. Trước mắt chúng tôi, văn phòng HTX hiện ra với những ký ức thời thơ ấu của tôi. Chính mãnh đất này nguyên trước đây là đất của nhà tôi với đầy ắp kỷ niệm....
                                                Trụ sở UBND xà Điền Hòa
           Ngày đó tôi là bộ đội đóng quân tận bên nước Lào xa xôi. Năm 1984, UB xã vận động  cả xóm di dời để xây trạm y tế xã: HTX đổi đất cho nhà tôi 1 sào ở sau lưng trường mẫu giáo thôn 3, O Giêng ra ở Hói Chùa , Chú Th… ra Hói Biện, duy chỉ có nhà chú M…(Trai) cương quyết không đi nay vẫn ở đó. Nơi đây đang diễn ra trận giao hữu cầu lông. Cạnh đó là hoa viên Khăn Quàng Đỏ nơi vui chơi giải trí cho các cháu trơ trọi, im ắng bởi sự xuống cấp trầm trọng của nó! Càng nghĩ càng chạnh lòng!
        Con đường dẫn chúng tôi xuống chợ Biện lúc nào không hay! Dạo một vòng quanh chợ thấy cơ sở hạ tầng khang trang hơn trước, tuy vậy hàng quán còn đơn điệu, khách mua thưa thớt! Trong đầu tôi lại hiện lên cảnh chợ Biện thời từ năm 1972 – 1974: Chợ đông nghịt từ ngoài âu thuyền cho đến đầu đường Đập (Tỉnh lộ 49). Nghe bà con làng mình truyền miệng nhau rằng chợ Biện bị làng khác trộm mất lư hương nên bây giờ chợ không đông như trước, không biết thực hư thế nào? Ước gì chợ được như xưa….
                                   Trụ sở HTX Điền Hòa (Trước đây là trạm y tế xã)
          Ký ức về chợ Biện xưa trong tâm trí tôi là hai cái đình lớn đối diện nhau theo chiều song song với tỉnh lộ 49, hai bên tả hữu là hai dãy quán bao gồm các quán nhỏ cho các tiểu thương thuê để buôn bán nhỏ. Những người buôn bán ở chợ thời tôi còn thơ ấu nay đã mất mà tôi biết có Mệ Â…, Mệ M…, Mệ T…, Bác K, thím Tr…vv….. những người đang sống có bác Dỏ,  o Kiêm, o Trung, o Trắc, o Giêng….Ngoài bán tạp hóa ra, lúc đó  còn có quán nhậu của chú Sụy, Bác K… Giữa chợ là khu vực bán rau được che chở bởi hai cây Cừa và một cây Bồ đề tỏa bóng mát rượi, khoảng đất trống giữa cái đình phía ngoài và bể nước chống cháy là nơi dành cho chợ cá…. Nhìn xa ra bợt Rào, bến đò chợ Biện nay  còn đó nhưng hai chiếc tàu phải nói là hiện đại nhất lúc bấy giờ: Bảo Toàn 1, Bảo Toàn 2 và  những chuyến đò dọc đi Huế nay đã lùi xa vào dĩ vãng ...
         Từ ngày xây lại chợ mới, chợ Biện cũ đã bị dỡ bỏ tất cả. Nhìn cảnh ấy, lòng tôi không khỏi bùi ngùi.... Đang suy nghĩ miên man về chuyện xưa, chợt có tiếng gọi nhau đi rà cá ngoài Phá Tam Giang gây sự chú ý của tôi. Tính tò mò lôi kéo tôi đi về phía bến đò....
          Đường ra bến đò chợ Biện, dõi mắt xa xa là cánh đồng lúa trải dài đang mơn mởn xanh. Tôi đi dọc theo bợt Rào để tìm lại ký ức xưa của thời đi câu cá bống, cá ngạnh.... Còn nhớ ngày đó, cứ vào mùa hè, lũ choai choai chúng tôi ngày nào cũng ra câu cá ở đây. Vừa câu chúng tôi vừa nghêu ngao hát những bài hát thuộc loại hót thời đó như “Anh chiễn sĩ quân bưu”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Lê Anh Nuôi”, “Tiếng đàn ta lư”, “Cô gái Sầm Nưa”....
         Chúng tôi thường thả câu ở khúc sông Ô Lâu quãng từ Bến Chợ lên Bến Mới. Tôi nhớ vị trí thả câu nhiều cá nhất là ở Cửa Khâu Bến Mới. Nước ở chỗ này tạo thành vũng xoáy nên cá rất nhiều. Cạnh đó là trộ nò của chú N... có cái trại nhỏ đóng trên bợt rào nơi anh em chúng tôi thường vào xin nước uống. Những cái tên bạn bè cùng câu cá thời đó lại hiện về trong tâm trí tôi:  Hạp, Hòa, Hiến, Huệ, Luyện... nay ở quê nhà. Trí, Vượng, Thọ, Hùng, Tiến, Chớ... ở Đăk Lăk. Tráng, Hiển... ở Sài Gòn. Thương, Tường ở Kon tum.... Còn một đứa nay không biết ở phương trời nào đó là thằng Bích. Ôi! Những kỷ niệm đẹp đó, dù có nói hay không nói ra chắc không bao giờ phai mờ trong tâm trí của anh em chúng tôi. Đang đứng ngắm lại dòng sông xưa và ngây ngất với những kỷ niệm, bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang kéo tôi về với thực tại. Đầu máy bên kia là tiếng ba tôi giục tôi về dùng cơm trưa để bàn công việc cho ngày mai.
        Sáng hôm sau, theo kế hoạch đã bàn, anh em chúng tôi đi dọn dẹp, thắp nhang mộ ông nội và mẹ tôi! Phải nói là trước đây độn cát quê mình trồng toàn cây dương liễu để chắn gió và cát. Giống dương liễu mặc dù chịu được cát nóng nhưng chậm phát triển. Nay làng ta chuyển sang trồng cây tràm hoa vàng, giống này phát triển nhanh nên tạo thành rừng dày đặc! Đi trên độn cát bây giờ nếu không xác định phương hướng tốt rất dễ bị lạc!
         Quãng đường mà chúng tôi đi qua trên độn cát khá xa.... Mồ mả trên độn cát dày đặc, đa phần là xây bo tròn, điểm xuyết chỗ này, chỗ kia là lăng mộ, cũ có mới có.... Nhiều lăng mộ xây dựng rất công phu, khang trang, đẹp đẽ! Nghe nói hương ước của làng quy định từ nay nếu chôn người mới chết phải cách đường quan theo hướng ra biển từ 500 mét trở lên để tránh ô nhiễm nguồn nước. Kia rồi! Trước mắt chúng tôi hiện lên đập Hói Biện. Nơi đây, nhớ lại thuở thiếu thời anh em chúng tôi ngày ngày tranh thủ đi cào lá dương đem về làm chất đốt dùng để nấu cơm, nấu nước.... Dưới chân tôi, lá dương rụng trải thành lớp thảm dày đặc trên mặt  con đập mà thấy đã thèm! Hỏi thăm mới biết nay dân làng mình ít người cào lá dương lắm! Nhà khá giả dùng bếp ga, nhà bình thường nếu thiếu rơm thì đi mót củi tràm về đun nấu.... Thế đó! Cuộc sống luôn vận động và có biết bao đổi thay! Tuy nhiên có một điều mà người đi xa như chúng tôi cảm nhận được khi trở lại quê nhà đó chính là truyền thống đạo đức của làng ta vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào! Đây là vốn quý mà cha ông đã để lại cho hậu thế!
                                                         Đập ngăn nước Hói Biện
         Người làng Thế Chí Tây dù ở tại quê nhà hay làm ăn nơi đất khách quê người thì trong tâm khảm luôn nhớ về nguồn cội! Nhiều bà con làm ăn xa đã gửi tiền về để chung tay xây dựng họ làng. Đặc biệt nghe nói có anh Văn Công Chắc đang sinh sống ở Phan Rang, Phan Thiết gì đó mà tôi chưa được biết mặt đã từng cúng tiền xây cả nhà thờ họ. Anh còn ủng hộ công đức cho các họ trong làng khi khởi công xây dựng. Rồi cúng tiền tu bổ miếu xóm....Ngoài ra, anh còn tham gia đóng góp xây dựng quỹ khuyến học để động viên kịp thời con em của làng.... Những việc làm cụ thể, những con người cụ thể của làng ta ngày càng được nhân rộng đã vun đắp thêm tình làng nghĩa xóm. Mặc dù hiện nay đời sống kinh tế của bà con vẫn chưa hẳn đã khá so với các nơi khác nhưng nhìn những công trình như các nhà thờ  họ nay đã xây dựng khang trang, đẹp đẽ! Duy nhất còn nhà thờ họ Đặng Đăng đang tiến hành vận động con cháu đóng góp xây dựng lại cho nghiêm trang để thờ tổ tiên ông bà cũng như làm đẹp thêm cảnh quang của làng.... Các công trình nhà từ đường của các nánh, dấp, cố... rồi việc xây dựng lăng mộ... đến nổi nghề thợ nề ở làng nay là nghề dễ kiếm tiền nhất nếu có sức khỏe, việc làm không hết! Nhà ai có việc tang, tế,  hiếu, hỹ là bà con trong làng quan tâm giúp đỡ, thăm hỏi, chia sẻ..... Chính vì thế nên tình cảm bà con xóm làng ngày càng thắt chặt, gắn bó!
                                                   Một góc độn cát quê hương
         Thời buổi bây giờ mà kiếm một nơi có chỉ số an toàn cao như làng mình là hiếm lắm! Này nhé! Gặt lúa xong, nếu chưa kịp chở về nhà thì cứ để hẳn ngoài ruộng không phải lo nghĩ gì! Mùa hè, đêm ngủ không cần đóng cổng. Cửa ra vào mở toang để lấy gió trời. Xe cộ để ngoài sân không cần khóa.... Nghe nói có người ở Sài Gòn về làng đi xe máy đến nhà ai, theo thói quen cũng khóa cổ xe, bị dân làng chọc quê muốn độn thổ!
                         Mùa hè, nhà để ngõ, cửa không đóng, xe để hẳn ngoài sân không khóa...
       Hy vọng  bản sắc và truyền thống của làng Thế Chí Tây sẽ được lưu truyền và phát huy để xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc! Tương lai tốt đẹp đang chờ đón tất cả bà con Thế Chí Tây thân yêu của chúng ta....
Bài và ảnh: Đặng Đăng Phước