Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

TÔI ĐÃ TỪNG LÀ LÍNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Sắp đến ngày 22/12 bỗng dưng trong ký ức tôi gợi lại những kỷ niệm của thời bị bắt đi lính nghĩa vụ quân sự (NVQS) sang tận nước Lào xa xôi. Tại ngũ hết “án” NVQS với thời gian 4 năm 6 tháng.

Ngày đó tôi là bộ đội làm "nhiệm vụ quốc tế" thuộc sư đoàn 384. Đơn vị chúng tôi làm tuyến đường 9 Nam Lào từ biên giới VN- Lào sang đến Savanakhet. Hàng ngày, trên tuyến đường này, tôi nhìn thấy có hàng trăm xe quá cảnh cả Lào và VN chở thạch cao và gỗ từ Lào về tập kết ở Đông Hà gồm một bãi thạch cao gần Ga Đông Hà và một bãi gỗ bạt ngàn ở Phường 5 - TX Đông Hà số khác chở vào cảng Đà Nẵng . Tôi thầm nghĩ, có lẽ mục tiêu “làm nhiệm vụ quốc tế” mà người ta tuyên truyền với chúng tôi là đây chăng?

Khi hết thời gian tại ngũ, nhận Quyết định phục viên hàm thượng sỹ, Giấy chứng nhận 3200 giờ máy an toàn, tôi cầm giấy giới thiệu của đơn vị về xin việc ở Phòng LĐTB&XH Bình Trị Thiên, họ nói phải quay về đơn vị làm lại Quyết định ra quân hạ quân hàm xuống hạ sỹ thì họ nhận việc nhưng tôi đã từ chối, chẳng thà đi lao động phổ thông còn hơn phải làm điều nhục nhã!

Sau đó tôi rong ruỗi buôn bán Bắc Nam một thời gian rồi về lái MTZ cho HTX nông nghiệp! Lúc tôi về đơn vị có cấp tem phiếu 6 tháng lương thực tôi cũng bỏ không làm, đến 2005 địa phương đem đến cái Huân chương chiến công hạng 3 đưa cho gia đình tôi nhưng không có một đồng bạc uống nước, tôi cũng không cần hỏi gì cả!

Chuyện về đời lính thì dài, hôm nay chỉ xin kể tản mạn, nhớ đâu kể đó xin bạn đọc chớ cười!
1/ ĐỐI TƯỢNG TUYỂN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Năm 1982, tôi vừa tốt nghiệp THPT, lại gặp lúc bắt đầu thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự nên lớp chúng tôi rất đông bạn bè nhập ngũ trong đó có tôi. Lúc đi khám, tôi cân nặng chỉ được 45 kg, BS kết luận sức khỏe loại B1. Có một chi tiết cũng cần nói ra cho các bạn biết rằng về lý lịch của tôi khi đi thi đại học cán bộ UB xã Điền Hòa xếp loại 11 (loại này rất khó được xem xét) nhưng khi đi NVQS thì họ bỏ qua tất cả các điểm xấu, cốt để giao nộp đủ quân số (!)

Bấy giờ, thời bao cấp, xã gọi đi nghĩa vụ quân sự mà trốn thì bản thân sống chui lủi đã đành, gia đình sống ở quê bị liên lụy khổ lắm! Nhà ai có con trốn lính thì xã gọi lên thường xuyên nhưng khổ nhất là người ta “cắt công lao động” có nghĩa là họ không điều đi làm công cho HTX nông nghiệp. Ở quê mà bị tẩy chay như thế coi như đói triền miên! Tuy vậy, trong số chúng tôi cũng có đứa trốn nhưng may thay nhà nó chỉ mỗi bà mẹ ở quê, anh chị nó buôn bán được nên có cắt lao động cũng chẳng ảnh hưởng gì ….
Tôi còn nhớ như in đúng ngày 10/02/1982, xã Điền Hòa tiễn 13 thanh niên nhập ngũ trong đó có tôi là đứa nhỏ xác nhất. Lúc xuống bến đò để lên huyện, ai cũng ái ngại lo sợ cho tôi với dáng vẻ thư sinh, ốm yếu như thế rất khó lòng trụ nổi.
Xã đội đưa chúng tôi lên thị trấn Tứ Hạ ở lại một đêm, sáng mai bàn giao quân. Anh em chúng tôi được sư đoàn 384 nhận quân xong khoảng 9h00 sáng, họ chở chúng tôi trên xe Zin 130 của Liên Xô chạy thẳng qua Lào. Ngồi trên thùng xe đi hết đoạn đường khoảng 250km đi qua Đông Hà lên đường số 9 chạy lên Khe Sanh, Lao Bảo con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, đất đỏ bụi mù đến nổi 2 khóe mắt đóng 2 cục bụi rõ to. Cứ mỗi lần dừng lại uống nước, khạc nhổ ra đỏ lòm toàn bụi.
2/ TẠI TRẠI HUẤN LUYỆN TÂN BINH SƯ 384 –BINH ĐOÀN 12 ĐÓNG TẠI LÀO
Chúng tôi đến đơn vị huấn luyện của sư đoàn 384 ở giữa một cánh rừng vào khoảng 17h00 chiều cùng ngày, ai nấy đều mệt lả người. Người ta chỉ con suối cho chúng tôi rửa ráy qua loa, sau đó đơn vị tổ chức cho chúng tôi ăn cơm chiều. Do công tác chuẩn bị không chu đáo nên chén đũa chưa được phát, chúng tôi phải dùng cái vỏ thịt hộp Liên Xô và bẻ cây le làm đũa để ăn cơm. Mới qua Lào còn lạ nước nên tối đó anh em chúng tôi không ai uống được nước suối vì nó có vị khác lạ so với nước ở quê mình, chỉ nhấp môi cho đỡ khát nhưng dần dần cũng quen nên uống được cả. Sáng mai, quân nhu phát quân trang cho chúng tôi mỗi đứa gồm 2 bộ K82 chất liệu vải bông nhuộm màu cỏ úa, do không háo hức mấy nên họ phát sao tôi mặc vậy không đổi chọn đến nổi cái quần sau 3 lần giặt nó co lại ngắn trên mắt cá chân, tôi cũng kệ …mặc được khoảng 6 tháng áo quần rách te tua trông rất nhếch nhác, thảm hại…

Tiếp theo là chuỗi ngày gian nan “ba tháng quân trường mồ hôi đổ” hằng ngày phải huấn luyện đội hình đội ngũ, ngoài ra chúng tôi còn phải tự đi chặt tre, cắt tranh về để làm lán trại. 
Nếu cắt tranh, mỗi buổi chỉ huy đơn vị khoán cho một gánh, anh em chia nhau tìm kiếm, khổ nhất là bị gai xấu hổ cào rách cả chân tay, lúc gặp may tìm được vạt tranh tốt thì cắt mau đầy, còn rủi không tìm được, buổi trưa về mỗi đứa cắt chỉ 2 bó nhỏ bằng 2 nắm tay, bị trung đội trưởng phạt đứng giữa trưa nắng. Tôi nhớ có lần bị ông Minh trung đội trưởng phạt tập họp giữa trưa nắng, ông dõng dạc hô:
Các đ/c 2 hàng dọc tập họp! Nghiêm, chỉnh đốn trang phục. Các đ/c bỏ mũ xuống!!!
Có cánh tay mạnh dạn đưa lên, tôi quay lại thấy thằng Thăng người Điền Môn:
-Tôi có ý kiến! Mũ và sao là của quân đội cấp phát cho chúng tôi, trung đội trưởng không có quyền gì bảo chúng tôi bỏ mũ xuống!
Chúng tôi ủng hộ Thang và cùng phản đối chỉ huy nên ông Minh quê không bắt chúng tôi bỏ mũ nữa! Hihi. (ông này dốt, đáng lẽ hô: Đặt mũ thì ai cũng phải chấp hành)

Đến lúc giao chặt lồ ô, cánh rừng lồ ô cách đơn vị khoảng 3km đường rừng, mỗi ngày giao 10 cây/người, đi 2 chuyến, buổi sáng vác 5 cây, chiều 5 cây. Ngày đầu thật vất vả, cây lồ ô vừa dài, vừa to vác đi trong rừng không phải chuyện dễ dàng gì. Vai đau nhừ, người ê ẩm! Sang ngày thứ hai có đứa nghĩ mẹo chặt 5 cây rồi bó thêm 5 cái ngọn và 5 cái gốc cây lồ ô vào một bó để khi kiểm đếm gốc hoặc ngọn đều đủ 10 cây …. Và thế là qua mặt chỉ huy được một hôm, hi hi. Riêng tôi chặt đủ 10 cây nhưng toàn cây nứa, khi nghiệm thu, chỉ huy hỏi “sao đ/c chặt nứa mang về”, tôi trả lời “Tôi ở đồng bằng nên không phân biệt được cây nứa và lồ ô” vậy là hòa cả làng, hihi.
Lúc bấy giờ đói kém, ăn uống ở đơn vị rất kham khổ. Cơm tuy không độn sắn nhưng được nấu từ loại gạo tồn kho lâu ngày rất nhiều thóc và mọt nên phải vừa nhặt thóc vừa ăn cơm. Thỉnh thoảng nhai gặp hạt thóc nhám cả lưỡi …. Thức ăn chủ yếu là cá chuồn khô và rau tàu bay, thỉnh thoảng có rau muống đơn vị trồng được. Họa hoằng lắm mới được vài miếng thịt heo toàn mỡ. Cũng vì ăn uống thiếu chất nên đứa nào cũng đói miếng, thấy gì cũng thèm ăn, may nhờ có tiền bà con cho khi đi nên mua thêm đồ ăn ở các bà người Lao Bảo sang bán hàng rong tận đơn vị huấn luyện. Thỉnh thoảng, chúng tôi thay nhau “ốm” để được nghỉ ngơi lấy sức. Có lần tôi “ốm” nằm ở doanh trại thả khói thuốc Samit thơm ngát, đang hào hứng với những vòng tròn khói thuối vờn nhau thì lão trung đôi trưởng đi ngang thấy ngứa mắt quát “Sao đ/c báo ốm mà nằm nhà phì phèo thuốc lá?” Tôi cãi “Chẳng lẽ ốm không được hút thuốc à?”
Tiểu đoàn huấn luyện của Sư 384 lúc bấy giờ nhận khoảng 200 tân binh gồm anh em công nhân đường sắt, quân của huyện Bố Trạch, huyện Hương Điền – tỉnh BTT, trong đó có nhiều anh em sinh năm 1959 đã từng trải trong những chuyến tìm trầm hương, họ thuộc đường rừng như lòng bàn tay, bèn rủ nhau đào ngũ, tôi có biết nhưng không tham gia bởi lường được sức khỏe mình không đủ để vượt rừng. Trong số người làng tôi có một đứa đào ngũ, nhiều đứa thậm thụt gửi thư về kể khổ với gia đình, lại có đứa viết thư nhờ bí thư xã đề xuất xã Đoàn kết nạp đoàn khống cho để dễ có cơ hội thăng tiến trong quân đội …. Đến khi toán đào ngũ bị bắt, chỉ huy thu ba lô trong đó có nhiều lá thư, nhân lúc sinh hoạt để kiểm thảo, trung đội đem ra đọc cho nghe cười chảy cả nước mắt! huhu
Thấm thoát thời gian trôi mau, 3 tháng huấn luyện cũng kết thúc, ngày cuối cùng bàn giao quân về đơn vị mới, các trung đội trưởng, tiểu đội trưởng trốn biệt tăm vì sợ tân binh hành hung, duy chỉ có Thiếu úy Thịnh, trung đội trưởng Trung đội 1 vẫn ở lại với chúng tôi. Trong 3 ông trung đội trưởng thì ông Dương, ông Minh đều bị lính trùm mền, riêng ông Thịnh được tân binh nể bởi ông xử lý có tình có lý.
3/ TẠI TRƯỜNG ĐÀO TẠO XE MÁY 975 – ĐÔNG HÀ
Khi UBND xã giao quân NVQS, làng tôi lúc bấy giờ có 13 đứa, lên đến huyện có 01 đứa trốn, còn 12 đứa sang huấn luyện ở Lào, 5 đứa được về đơn vị công binh, họ giữ lại 7 đứa giao sang nhà khách sư đoàn bộ đợi lệnh, trong đó có 2 đứa đi học khí tài, 1 đứa đi học quan trắc, 4 đứa đi học khóa lái Máy ủi ở Đông Hà, trong đó có tôi.

Thiệt tình, anh em chúng tôi chỉ thích về đơn vị công binh để mau được ra quân, còn nếu học lái máy ủi phải bị giữ lại 4 năm 6 tháng phục vụ. Ngày nào cũng lên phòng tổ chức của Sư đoàn bộ xin được về đơn vị nhưng họ không giải quyết. Sau hai tuần ở nhà khách Sư đoàn, họ đưa chúng tôi về trường 975 Đông Hà để học khóa 9 tháng lái máy ủi. Về trình diện trường, làm thủ tục nhập học xong, trường cho chúng tôi về thăm nhà 3 ngày. Về đến đầu làng, bà con dân làng ngạc nhiên lắm, họ tưởng chúng tôi đào ngũ, ai cũng hỏi thăm dò “răng mới đi lính mà mau được về rứa?”
Thời gian học ở trường lái cũng có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt bởi chúng tôi bị ép học chứ chẳng muốn như lý do đã nói ở trên.
Thoạt đầu, tôi và 2 đứa cùng làng thường cáo bịnh nằm ở doanh trại, ít đi học để “được” trường đuổi về đơn vị nhưng sau 01 tháng chẳng thấy trường đuổi học bèn thay đổi suy nghĩ “Mình tốt nghiệp PTTH đi học cùng với mấy đứa lớp 7, lớp 8 ngoài Thái Bình, Hải Phòng nếu không chịu học để thua nó thì mất mặt lắm” từ đó cố gắng học cho hết khóa, rồi cũng tốt nghiệp ra trường với bằng xếp hạng Khá
Ở trường 975 Đông Hà, tiêu chuẩn lương thực chúng tôi chỉ được 17kg độn thêm sắn lát Ba Lòng mà nếu tức nhau có thể dùng sắn lát ném cũng vêu trán như chơi!
Ngày ngày chúng tôi đi học buổi sáng, buổi chiều tự ôn bài tại doanh trại. Anh em chúng tôi thường ngồi tám chuyện và hút thuốc lá vặt, ít khi học bài bởi chúng tôi nắm bài tại lớp. Có lần, trung đội đi kiểm tra nhắc nhở, thấy chúng tôi ngồi chơi sau đó kiểm tra bài cũ, đưa mô hình động cơ 4 thì bảo tôi cầm thước thuyết trình, tôi nói vanh vách, thế là cả nhóm được tiếng, lần sau chỉ huy toàn đi kiểm tra nhóm khác mà không kiểm tra chúng tôi nữa!
Như nói trên, lương thực 17kg độn sắn Ba lòng, buổi sáng nhà bếp chia cho chúng tôi một bát sắn hầm từ tối qua khi nhai vẫn còn tinh bột trong lõi vì quá dày, không chín nổi. Tôi toàn nhịn đói buổi sáng vì không nuốt nổi. Thức ăn chủ yếu là rau muống tự tăng gia. Chỉ huy Đại đội 4 Máy húc giao cho mỗi tiểu đội một luống rau để chăm bón, chúng tôi cắt phiên nhau tưới và bón phân, khổ nhất là lấy phân bắc để ngâm tưới rau, mỗi lần tưới mùi xú uế bốc tận doanh trại. Ban đầu còn ghê, dần dần rồi cũng quen mùi nên mũi không còn nhận biết được nữa, cũng do thiếu đói, anh em chúng tôi đứa nào cũng bị ghẻ và hắc lào, ngồi đâu cũng luôn tay “gãy đàn da” hihi.
Đời sống ở lính kham khổ nhưng chúng tôi biết thương nhau, chia sẻ, hợp tác để cùng nhau vượt qua khó khăn, hạnh phúc nhất của anh em chúng tôi là ngày Chủ nhật được đi “cải thiện”. Chúng tôi chia nhau một nhóm đi kiếm rau má, một nhóm khác đi nhờ thuyền dân sang cánh đồng xã Cam Hiếu bên kia sông Hiếu để bắt cua đồng (chúng tôi gọi là con rạm đồng) về giả nhỏ lấy nước nấu canh rau má với chút bột canh hoặc ruốc xin được của nhà bếp rồi ăn với nhau rất ngon lành. Bây giờ ngồi viết lại vẫn nhớ vị ngọt của cua đồng lẫn chút mùi bùn, đặc biệt là mùi thơm rau má đất Đông Hà sao mà ngon thế!
Bấy giờ tôi đam mê món đàn guitar nhưng không có tiền mua nổi cây đàn, may thay có người bán rẻ cho cây đàn cũ đã cong cần, anh Vẻ mua được mang theo đời lính nên nhờ đó mà tôi tập được đàn.
Cùng trung đội máy ủi có anh Tuấn người Quảng Trị đã lớn tuổi, anh có ngón guitar khá mượt nên tôi học theo anh. Nói là học nhưng cũng không phải anh cầm tay chỉ mà chủ yếu tôi nghe thuộc giai điệu và nhớ ngón để đánh lại sau đó nhờ anh nghe để sửa, về nhạc lý chỗ nào bí thì hỏi bạn Thận chỉ cho. Tôi thường tranh thủ buổi trưa khi mọi người nghỉ ngơi, một mình sang cái phòng bỏ trống kế bên để tập với âm lượng cực nhỏ, anh em mình không ai phàn nàn gì nhưng bị mấy đứa ở Hải Phòng, Thái Bình rầy rà ....

Thỉnh thoảng vào cuối tuấn, anh em chúng tôi cũng đi về trung tâm thị xã Đông Hà bát phố thư giãn, thường khi ra đến chợ hỏi bán món đồ rồi tạt quán nào đó “kéo ghế” uống vài chén rượu với đậu phộng rang hoặc ly chè đậu xanh đánh …. Tài chính để chi trả cho món ăn chơi khi thì tấm áo mưa, lúc khác thì bộ quần áo may ô được phát mà dành dụm chưa mặc, đứa này bán xong đứa khác bán lần lượt như thế. Trên đường đi từ trường Lái máy 975 về Đông Hà khoảng 3 km đi bộ dặt dẹo, thằng Nam người Phong Thu cứ mỗi lần gặp con gái, xổ bựa, nó đọc câu “Kim đâm vào thịt thì thịt đau/ Thịt đâm vào thịt, thương nhau lạ lùng” cả bọn cười trêu làm cho cô gái thẹn đỏ mặt, hihi.
Ở trường lái, anh em chúng tuổi mới lớn đang thèm ngủ nên mỗi lần gặp phiên gác 2 – 3 giờ sáng như là cực hình. Có lần tôi buồn ngủ quá, đang phiên gác mùa đông trời lạnh bèn bỏ gác vào giường ôm cả súng ngủ. Đại đội trưởng kiểm tra thấy bỏ gác bèn báo động toàn Đại đội 4 làm cho anh em bị một phen mất ngủ, sáng mai chửi tôi quá trời luôn, hihi
Có lẽ thời học lái máy ủi của chúng tôi được thoải mái nhất là lúc đi thực tế ở các đơn vị cơ quan ngoài trường có hợp đồng với trường san lấp mặt bằng. Tôi được điều đi trong nhóm gồm 2 máy ủi DT-75 của Nga loại này tuy nhỏ nhưng có thủy lực ben nên tác nghiệp mặt đất cứng hiệu quả hơn hẳn loại máy ủi C100 dùng dây cáp nâng hạ ben. Mỗi lần đi dã ngoại, ngoài thực phẩm nhận từ kho, chúng tôi còn được đơn vị đối tác bồi dưỡng thêm thực phẩm cho có sức mà làm tốt cho họ.
Sau 9 tháng học tập, chúng tôi được nhận chứng nhận tốt nghiệp, sau đó nhóm chúng tôi trở lại sư đoàn 384 gồm có tôi và Thận người Phong Hải, còn Vẻ, Tụy đi vào sư 470 đóng ở Gia Lai, Tây Nguyên, kể từ đó chúng tôi bặt tin nhau cho đến khi phục viên trở về địa phương.


Buôn Ma Thuột những ngày cuối đông năm 2017 trời bỗng rét buốt, tuy nhiên ở tận Hà Nội lò chống tham nhũng đang rực cháy hừng hực! Cũng ở đó, tiếng kêu khóc khản giọng của bà con dân oan vang lên nghe thảm thiết hàng ngày động đến trời cao, lòng chỉ biết xót xa cho đồng bào mình …. Ngồi một mình viết những dòng hồi tưởng về những năm tháng vất vả trong quân ngũ nhưng cho tôi được sống với tình bạn, đồng thời rèn luyện ý chí, bản lĩnh để bản thân tiếp tục sống sao cho xứng đáng là con người.
(Nếu bà con còn muốn nghe thì dịp 22/12 sang năm tôi sẽ kể tiếp chuyện tác nghiệp máy ủi tại đơn vị D37, E509, F384 với những câu chuyện thật 100% )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét