Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

CON NGƯỜI TỰ DO

Tôi đã dành 22 năm của cuộc đời mình để đi học, trong khoảng thời gian đó, tôi trực tiếp trải nghiệm ba nền giáo dục khác nhau.
Tôi cũng là một phụ huynh có ba con nhỏ. Con đi học, tôi vì trách nhiệm và vì tò mò mà dành thời gian tìm hiểu chương trình, rồi học cùng con ở hai quốc gia khác nhau nữa. Vậy tính ra, tôi đã đi qua 5 nền giáo dục Á - Âu, cả trực tiếp và gián tiếp. Vậy tôi thấy gì khác nhau trong 5 nền giáo dục đó? Và quan trọng hơn, bài học nào sẽ được rút ra từ những trải nghiệm thực tế đó?
Tôi thấy rằng, dù khác nhau về văn hóa, thể chế và tôn giáo, nhưng giáo dục có hai loại mục tiêu: Đào tạo con người công cụ và đào tạo con người tự do. Hai mục tiêu này không tách bạch tuyệt đối, thường lồng ghép xen lẫn vào nhau theo chủ ý hoặc vô thức do tập tục. Tùy theo mức độ công cụ hay tự do nhiều hay ít, mà hệ thống giáo dục đó sẽ tạo ra con người công cụ hay con người tự do theo cách tương ứng.
Như mọi hệ thống sản xuất khác, một hệ thống chỉ có thể vận hành trơn tru hiệu quả và không rơi vào hỗn loại khi hình dung đích xác được sản phẩm đầu ra có những thuộc tính nào. Với giáo dục là trả lời tường minh cho câu hỏi: Hệ thống giáo dục hướng đến việc đào tạo con người nào?
Rất nhiều độc giả đã đặt ra câu hỏi tương tự sau các bài viết “Giáo dục không triết lý” và “Giáo dục bế tắc” trên Góc nhìn. Họ chấp nhận phản biện về cải cách hiện thời của tôi, nhưng đề nghị tôi trả lời rằng tôi mong muốn triết lý nào.
Sau nhiều năm trải nghiệm, tôi bắt đầu gây dựng và theo đuổi một triết lý giáo dục mới, phát biểu giản dị rằng: Con người tự do là đích đến của giáo dục.
Con người tự do, như tên gọi của nó, thể hiện trước hết ở việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cốt yếu “Tôi là ai?”. Đó chính là tự do tư tưởng. Tư tưởng về chính bản thân mình. Con người khác với con vật ở chỗ biết hỏi: “Người là gì, tức Tôi là ai?”, còn con vật thì không. Chính việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này là cội nguồn của văn minh nhân loại, hình thành nên nhân tính và xã hội con người. Mà muốn vậy, điều kiện tiên quyết là họ phải có được tự do để tư duy trước khi trả lời cho câu hỏi tôi là ai. Mà để tư duy hiệu quả và chính xác, họ cần thông tin như những nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, sự tự do tiếp cận thông tin là điều tối quan trọng. Trong giáo dục, điều này có nghĩa, học sinh và giáo viên phải được quyền tiếp cận với các nguồn tư liệu và tài liệu tham khảo khác nhau, thể hiện trước hết ở nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau được lưu hành.
Trong lớp học, học sinh phải được tự do bày tỏ ý kiến và diễn giải của mình. Nội dung bài học vì thế không được phép đóng cứng vào một diễn giải cụ thể, dù đó là diễn giải của người thầy đáng kính. Nếu không, học sinh sẽ bị thui chột sáng tạo và trở nên máy móc. Việc học rõ ràng không phải chỉ là ghi nhớ giải pháp của thầy cô, mà là tìm được bao nhiêu giải pháp theo cách của riêng mình cho vấn đề đang đối mặt. 
Việc thi cử khi đó cũng không đi theo hướng có học thuộc, biết đúng điều đã được dạy để thi hay không, mà trở thành thước đo cho sự trưởng thành của người học, mà quan trọng nhất là sự trưởng thành trong tư duy của họ, biểu hiện qua năng lực cốt yếu: Năng lực tư duy độc lập.
Vì sao như vậy, vì nếu không có năng lực tư duy độc lập, một người dù đã bạc đầu, vẫn cần phải cậy nhờ đến tư duy của kẻ khác, do đó trên thực tế vẫn là trẻ vị thành niên. Đất nước không cần nhiều trẻ vị thành niên bạc đầu như vậy. Đất nước cần những con người trưởng thành, có tư duy độc lập, để xây dựng một đất nước độc lập và trưởng thành.
Tầng thứ hai của con người tự do là tự do lựa chọn. Lựa chọn là cấp độ cơ bản nhất của hành động. Nhìn thật kỹ chúng ta sẽ thấy mọi hành động có nghĩa đều bắt đầu bằng một lựa chọn.
Vì sao? Vì sau khi đã có tự do tư duy, đã có thể tư duy độc lập, thì ta phải làm điều gì đó chứ? Nếu giáo dục chỉ đào tạo ra những thế hệ học nhiều thi giỏi mà không biết làm việc, không có khả năng lựa chọn thì rõ ràng nền giáo dục đó đã sai đường. Với giáo dục, tự do lựa chọn thể hiện trước hết trong việc được quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp với mình. Vì thế, bên cạnh những loại hình trường hiện có, loại hình homeschooling, tức học tại nhà, cần được thừa nhận về mặt pháp lý.
Quyền tự do lựa chọn còn thể hiện ở việc người học cần được quyền lựa chọn giáo viên phù hợp. Vì thế hệ thống giáo dục cần phải tổ chức sao cho lựa chọn này thực hiện được, ví dụ bỏ biên chế suốt đời. Không thể nào một giáo viên kém, nhưng vì lý do nào đó, vào được hệ thống giáo dục, thì nghiễm nhiêm ở đó gần 40 năm cho đến lúc về hưu mà không có cách nào để thay thế.
Một người có tự do lựa chọn là một người đã có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc đời mình, và tự chịu trách nhiệm về sự làm chủ đó. Đó chính là những phẩm chất mà một người học cần hướng tới. Lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc đời mình là thước đo cho sự trưởng thành thực sự cho người học.
Tầng thứ ba của con người tự do sẽ là tự do trở thành, tức được tự do trong việc quyết định trở thành người mình chọn để trở thành. Nó bao gồm tự do thân thể, tự do biểu đạt cảm xúc, tự do biểu lộ tinh thần. Sự thay đổi của chúng chính là sự thay đổi của chúng ta. Người học phải nhận biết và làm chủ được những sự thay đổi đó, thông qua lựa chọn trong tự do và sau khi suy xét.
Cho đến nay, tự do thân thể đã được pháp luật bảo hộ, nhưng nhiều khi còn mâu thuẫn khi triển khai. Quyền tự do thân thể chưa được nhận thức đúng. Bạo hành trong gia đình và nhà trường, một sự xâm phạm tự do thân thể điển hình, vẫn xảy ra thường xuyên. Bạo lực học đường bùng phát cũng là chỉ dấu xấu cho thấy tự do thân thể đã bị xâm phạm ngay trong môi trường trong sáng nhất là nhà trường.
Còn tự do biểu đạt, dù là cảm xúc hay tinh thần, gần như ít khi được xét đến. Một phần do văn hóa truyền thống, một phần do giáo dục đã bỏ qua thứ tự do trở thành này, nên con người không được sống thật với cảm xúc và các giá trị tinh thần của mình, lại càng không dám biểu đạt chúng ra cho người khác thấy. Tất cả những điều này đều không tốt cho sức khỏe tâm thần, cho sức sáng tạo, và rộng hơn là cho một xã hội lành mạnh.
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy “tự do” chưa phải là một khái niệm được tôn trọng trong nhà trường, hay không phải là mục đích của nó.
Tầng thứ tư của con người tự do là tự do kiến tạo, có được trên nền móng từ ba thứ tự do đã nói ở trên. Một người chỉ có thể kiến tạo tương lai nếu tương lai đó đã được kiến tạo trong tâm trí mình trước hết. Tương lai của một con người, tương lai của một quốc gia, nằm ở thứ tự do kiến tạo này.
Đó là lý do vì sao tôi luôn tâm niệm rằng, triết lý giáo dục của thời đại mới không thể là đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời. Con người tự do là đích đến của giáo dục.
Giáp Văn Dương

THẦY LƯƠNG NGỌC HUỲNH: ĐẤT NƯỚC TA CÓ 7 LOẠI NGƯỜI !



Note: Nhận thức của người VN cần phải thay đổi theo hướng tích cực mới mong XH tốt đẹp!

1- Loại thứ nhất: Họ bảo thủ đi theo một lối mòn của một con đường vô định hướng, nhưng họ quyết tâm đi cho bằng được và lái tất cả đi theo con đường đó! Mặc dù phía cuối con đường là chông gai và sụp đổ họ vẫn cứ đi. Loại người này ta gọi là "ngu mà còn tỏ ra nguy hiểm"!
2- Loại thứ hai: Họ luồn cúi và nịnh bợ liếm láp mọi thứ và sẵn sàng làm chó cho loại thứ nhất! Loại người này là loại vô liêm sỉ họ đã đổi sự nhục nhã để lấy miếng cơm ăn!
3- Loại thứ ba: Họ không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, họ thờ ơ với tất cả, và họ chỉ cần biết lo cho bản thân mình! Loại người này là loại vô hồn, vô cảm, vô tâm!
4- Loại thứ tư: Họ tàn nhẫn cướp của giết người, ăn cắp ăn trộm, đĩ điếm, giả dối, lừa lọc, sống bầy đàn độc ác và man rợ! Loại người này là giống vô loài!
5- Loại thứ năm: Họ biết đúng sai nhưng miệng họ luôn ngậm một hạt thị và không bao giờ dám mở mồm! Loại người này ta gọi là đồ hèn nhát!
6- Loại thứ sáu: Họ bị cuồng tín bởi những lý luận duyên, nghiệp, họ không đấu tranh và chấp nhận bị áp bức! Loại người này thật đáng thương và đáng yêu với những thể chế chính trị mị dân!
7- Loại thứ bảy: Họ sống có trách nhiệm, ngay thẳng, sòng phẳng và công bằng, họ dám nói lên chính kiến của mình, họ mong muốn xã hội tiến lên tốt đẹp, nhưng do 6 loại kia đông quá nên họ khó có thể thay đổi tư duy của giống người Việt Nam!
Cho nên gọi là đất nước "thất nhân" thế mới sinh ra thất đức, thất tín, nói một đường làm một nẻo! Chúng ta cần loại người thứ 7 phát triển thật nhiều để lấn át 6 loại còn lại. Những ai đang là một trong sáu loại kia nên vắt tay lên trán suy nghĩ để làm sao cho con cháu giống nòi Việt Nam trong tương lai đừng hèn như những gì chúng ta đã và đang làm!
Nói thật mất lòng cũng được! Nhưng nó sẽ làm cho người ta khôn từ từ.


"DỤNG NHÂN NHƯ DỤNG MỘC"

Thấy tôi hay có bài viết phản biện, trong đó có một số lãnh đạo các cấp từ TƯ đến địa phương bị tôi chê về phát ngôn và ứng xử, một anh bạn nói:
- Ai ông cũng chê, có lẽ chỉ vợ chồng ông là người tài giỏi!
Tôi đáp:
- Anh nói thế không phải, giả sử anh không là kiến trúc sư nhưng nhìn ngôi nhà người ta anh cũng có thể nhận xét được nhà đó đẹp hay xấu, nhưng nếu ai đó thách đố anh vẽ cái nhà đó chắc chắn anh không thể làm được!
Anh bạn gật đầu:
- Đúng thế!

Người xưa nói "dụng nhân như dụng mộc", người tài trong xã hội rất nhiều, tùy theo lĩnh vực và cấp độ để dùng cho đúng mới đưa đất nước tiến bộ! Ngặt nổi, công tác cán bộ hiện nay, theo quan sát của nông dân tui đa số đặt nhầm vị trí thành ra mới lộn tùng phèo!

Chẳng hạn, cái ông đi du kích năm xưa ở trong rừng về thành phố, sau đó đảng cử đi học bổ túc văn hóa, học lấy cái bằng tại chức, rồi làm cái thạc sĩ, tiến sĩ để lòe thiên hạ, cứ "lấy đà" leo dần lên trung ương làm đến Thứ trưởng, Bộ trưởng, Thủ tướng ... mà đáng lẽ tầm các ông chỉ lãnh đạo cấp huyện tỉnh, thì sao xứng tầm mà đảm đương công việc? Sao không bị dân chê? Thử hỏi rằng lãnh đạo TƯ có mấy ông giao tiếp được tiếng Anh khi ra nước ngoài tại các diễn đàn quốc tế?

Một xã hội văn minh là xã hội biết trọng dụng nhân tài, biết đặt người đúng các vị trí. Ai có thiên hướng gì thì đào tạo ngành đó: Thích làm khoa học thì đi học kỹ sư, có lòng yêu thương chăm sóc sức khỏe con người thì học ngành y khoa, biết lo cho tương lai đất nước thì học sư phạm, muốn giúp dân hoạch định chính trị thì học ngành quản trị hành chánh, Muốn làm thợ lành nghề thì vào học các trường nghề .... Và học ngành gì phải học cho sâu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ! Điều cốt lõi là phải minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử!

Nếu đặt trường hợp tôi, người ta cất nhắc tôi làm lãnh đạo các cấp tôi cũng xin từ chối bởi tôi đâu được học ngành quản trị hành chánh, đâu có biết xử lý công việc cho dân thì sao dám nhận bừa được?

Tôi là nông dân thì chỉ biết nghiên cứu trồng cây gì, nuôi con gì cho thu nhập tốt mà không gây hại đến đồng bào, không bị lệ thuộc Trung Quốc là hạnh phúc lắm rồi! Có điều tính tôi thường quan sát sự vật, hiện tượng, đặc biệt thấy bức xúc là tôi không thể bỏ qua, vì thế đôi khi gây khó chịu cho nhiều người và tôi chỉ dừng lại ở mức biết quan tâm đến chính trị xã hội chứ không có thiên hướng làm chính trị!

Vì thế xin nhấn mạnh một lần nữa, tôi là người rất quan tâm đến chính trị đất nước. Tuy nhiên, xin mọi người hãy phân biệt cụ thể giữa quan tâm chính trị với làm chính trị là 2 khái niệm khác biệt hoàn toàn không thể đồng nhất chúng, bởi nếu đồng nhất chắc chắn có nhiều người e ngại không dám phản biện xã hội vì sợ bị chụp mũ là có động cơ "làm chính trị"

Gỗ xấu mà đặt vào vị trí trọng tâm thì không hiệu quả đôi khi gây gãy đổ nguy hiểm đến người khác, gỗ tốt đặt vào chỗ xấu thì thật lảng phí!