Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

MỘT XÃ HỘI "SUỐT ĐỜI HỌC TẬP"!

Mấy hôm nay nghe các cô giáo MN chia sẻ rằng "chúng em ai cũng phải cố mà đi học chứng chỉ nâng hạng ngạch GVMN kẻo sau này thua thiệt" tôi bỗng chạnh lòng mà nghĩ rằng hình như XH thời "chưa có khi nào rực rỡ như hôm nay" luôn bắt con người ta suốt ngày phải "chạy đua với học tập", tuy nhiên học chỉ để cho  "bằng chị, bằng em" chứ kỳ thực có giúp gì thêm cho công việc hay không có trời mới biết!

Con người trong XH xứ thiên đường thời "rực rỡ nhất như hôm nay" may ra chỉ được thảnh thơi, vui chơi thỏa thích trong khoảng 5 năm đầu, sau đó đến tuổi mẫu giáo lớn là phải gò mình tập viết, tập làm tính để lên lớp Một khỏi bị cô giáo mắng, thậm chí đánh cho vì tội "không viết được chữ" (!)  Rồi thì năm lại năm, trong suốt thời gian học phổ thông, nếu không học thêm chỗ này thì phải học chỗ khác mới có thể hiểu bài, còn nếu chỉ học trên lớp e khó,  đến nổi trẻ em không được sống với tuổi hồn nhiên, vô tư của chúng!

Đến khi đi học nghề tại các trường ĐH, CĐ hoặc TCCN cũng phải đi học thêm các chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ ( thay đổi xoành xoạch,nay làm theo thông tư này, mai theo nghị định khác chóng cả mặt)

Ra trường rồi, có người chưa được đi làm đã đành nhưng có người được đi làm rồi cũng nào có được yên? Với GV nào là học thay sách, rồi thì là học chuyên đề, học chuẩn hóa, học nâng cấp thạc sỹ, tiến sỹ ....

Tôi có mấy đứa cháu con của bạn, chúng nó học xong ĐHSP không xin được việc làm đành phải "đầu tư" thêm chút nữa lấy cái bằng Thạc sỹ "cho dễ xin việc" nhưng học xong thạc sỹ rồi cũng vỡ mộng .... đành đi dạy kèm và dạy hợp đồng thỉnh giảng😪

Lại nói chuyện các cô giáo MN, theo chuẩn nghề nghiệp tại Điều lệ trường MN thì GVMN chỉ cần trình độ Trung cấp SPMN là được nhưng nay các cô nghe được điều này mai nghe đồn điều kia bèn chọn giải pháp an toàn đó là vừa đi làm vừa đăng ký học liên thông lên đại học ... mà cái sự học của các cô thì thật vất vả!  Nói không phải vơ đũa cả nắm, có cô vào phòng thi  loay hoay không biết mở tài liệu chỗ nào để chép, lại có cô vác cái bụng bầu vượt mặt cũng vào phòng thi, nửa buổi thi giám thị phải gọi taxi cấp cứu chở thí sinh đến bệnh viện vì sắp ... đẻ! 🤣

Học đại học, có bằng ĐH rồi nhưng vẫn chưa chuyển được hạng ngạch, phải học nâng hạng từ hạng 2 lên hạng 3 rồi phải tham gia một đợt sát hạch nữa đã mới được thăng hạng, còn không thì cái bằng ĐH tại chức cũng chỉ để đó để khi nào có dịp đem khoe với con cái! 😛

Thiển nghĩ, Bộ GD&ĐT cần phải xem lại các thông tư, Quy định đã ban hành xem thử hợp lý chưa? Tôi e rằng nếu làm theo kiểu như hiện nay chỉ tổ tốn kém, lảng phí tiền của nhân dân chứ chẳng được ích lợi gì!

Có thể thấy rõ rằng trong chương trình đào tạo chức danh nghề nghiệp do Bộ GD&ĐT ban hành đã tích lũy đủ lượng kiến thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vả lại, nếu BGD nhận thấy lượng kiến thức đào tạo chưa đủ đáp ứng trong thời kỳ mới thì cần phải lập hội đồng khoa học đánh giá lại sau đó bổ sung trong chương trình đạo tạo chứ không phải làm theo kiểu chắp vá, "đẽo cày giữa đường" như hiện nay.

Ai được lợi? Các trường ĐH, các Học viện ăn theo các "Qui định" của BGD&ĐT, được cấp phép đi mở lớp khắp các tỉnh thành, dùng các trường địa phương, các trung tâm GDTX chiêu sinh cho họ. Tiền học phí thu được "lại quả" chút đỉnh cho các trường như kiểu trả công làm "cò" . Học viên học xong mặc dù được cấp chứng chỉ nhưng để nâng hạng ngạch cần phải tham gia sát hạch đã mới được công nhận!

Muôn vàn khó khăn cho các cô giáo mầm non khi vừa chăm sóc các cháu 10 tiếng/ ngày với đồng lương khiêm tốn lại phải bỏ thời gian học tập, đóng tiền học phí nhưng đường tương lại phía trước còn xa vời vợi!